Điều đáng nói là phương án tiếp sức các đội như TP.HCM, NaviBank Sài Gòn chưa được tính tới mà chủ yếu là bàn về việc xốc lại các kế hoạch và chương trình đào tạo trẻ của bóng đá TP.HCM. Từ đó sẽ tạo ra những hạt nhân mạnh, làm nền tảng cho bóng đá TP.HCM trở lại vị trí như trước đây.
Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi chỉ có con đường xốc lại đào tạo trẻ với những phương án căn cơ và có định hướng lâu dài thì mới mong bóng đá TP.HCM trở lại thời hoàng kim.
Cuộc họp chiều qua mới chỉ đưa ra phương án thời gian bắt đầu “ấn nút” cho kế hoạch trên. Bởi phải chờ đến cuối năm ngân sách mới được phân bổ và một khi đã có con số cụ thể mới có thể bắt đầu vào chương trình của hành động.
Bóng đá trẻ TP.HCM từng đứng đầu cả nước giờ đã tụt hậu rất xa và nay thì quyết làm lại một cách có bài bản. Ảnh: XUÂN HUY
Tham dự buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận lắng nghe những ý kiến đề đạt từ những người đang làm công tác bóng đá TP.HCM. Qua đó ông sẽ nghiên cứu lại và đưa ra lộ trình để có thể bóng đá TP.HCM tiếp cận được với những chương trình trên.
Về các đội bóng đỉnh cao, phía UBND TP.HCM cho rằng tất cả đội bóng đóng trên địa bàn TP.HCM thì tất nhiên UBND đều quan tâm như nhau, không ai bị bỏ rơi…
Phát biểu tại buổi họp, chuyên gia Phạm Huỳnh Tam Lang cho rằng phải tạo nên một môi trường bóng đá học đường, bóng đá phong trào sôi động thì mới mong tìm kiếm nhiều tài năng trẻ để phát triển. Việc đào tạo các HLV, những thầy “gõ đầu trẻ” môn bóng đá cũng phải được chú tâm đầu tư. Vì chỉ có những thầy giỏi có đạo đức nghề nghiệp thì mới mong có những tài năng có đạo đức.
Kiến nghị của chuyên gia Phạm Huỳnh Tam Lang là điều mà vốn lâu nay bóng đá Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang thiếu.
Sau rất… rất nhiều cuộc họp nhằm tìm kiếm phương án xốc lại bóng đá TP.HCM không thành, hy vọng lần này sẽ khác dù có thể chậm… nhưng mà chắc.
Cầu thủ trưởng thành từ trường học sẽ có tác động rất lớn Những năm 1950, cậu học sinh Trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) Phạm Huỳnh Tam Lang (ảnh) nổi tiếng điển trai, học giỏi và đá bóng hay. Bắt đầu từ giải các trường học rồi dần dần lên những giải lớn ở cấp cao hơn, Tam Lang đã trở nên thần tượng của nhiều học sinh. Đến khi lên đội tuyển, chàng cầu thủ đấy về thăm trường cũng là một sự kiện lớn và chính ngôi trường đó cũng có phong trào bóng đá mạnh bởi ai cũng muốn có tài và đổi đời như Tam Lang. Tam Lang khi ấy là tấm gương của các học sinh, sinh viên và hình ảnh ông giơ cao chiếc cúp Merdeka với tư cách đội trưởng đội miền Nam Việt Nam khiến giới sinh viên, học sinh rất thần tượng và tự hào. Đấy cũng là hình ảnh mà sau này nhiều quốc gia có nền bóng đá mạnh ở khu vực như Nhật, Hàn Quốc chú trọng phát triển. Tiếc rằng trong khi nhiều quốc gia tiên tiến làm những điều chúng ta đã thực hiện từ rất lâu thì bóng đá Việt Nam nói chung và TP.HCM lãng quên khi xem bóng đá học đường chỉ là yếu tố phụ so với việc “nuôi gà chọi”… NG.NGUYÊN |
TẤN PHƯỚC