Bóng đá Việt Nam lăn đầu mùa dịch

Trong hơn hai năm qua, một số giải bóng đá quốc nội rộn ràng hơn nhờ hiệu ứng từ thành công của các đội tuyển Việt Nam (VN) gây tiếng vang lớn trên đấu trường quốc tế. HLV Park Hang-seo được ví von là người hùng, còn các học trò của ông lấp lánh như những thần tượng mới.

Ai cũng thấy rất rõ các sân bóng đón nhiều khán giả hơn thường lệ, đặc biệt ở V-League hoan hỉ với một số trận có nguy cơ vỡ sân trong hạnh phúc. Dẫn chứng hùng hồn nhất là sân Hàng Đẫy từng nguội lạnh với loe hoe người xem, thậm chí còn có lời đồn CLB chủ quản còn trả thù lao cho khán giả thì hai năm qua có khi chật cứng gần 20.000 chỗ ngồi.

Dễ hiểu CLB Hà Nội có dàn tuyển thủ chất lượng sát cánh bên thầy Park Hang-seo trong hầu hết các chiến dịch lớn đã tạo ra một cơn sốt thần tượng, cùng khả năng vô địch V-League luôn nằm trong tầm tay một ông bầu quyền lực dù năng lực của họ vẫn đủ sức đá tưng bừng ở AFC Cup.

V-League mùa giải 2020 đối diện nhiều thách thức (ảnh lớn), cùng lúc Đặng Văn Lâm chuẩn bị Thai-League với màn chào sân bằng “thời trang dịch Corona”. Ảnh: NGỌC DUNG

Một vài sân bóng khác cũng xâm xấp khán giả từ sức hút của các học trò ông thầy người Hàn trên tuyển như Thống Nhất, Lạch Tray, Cẩm Phả, Thanh Hóa, Vinh… bên cạnh số ít mặt sân đông hơn như Pleiku, Nam Định.

Tuy nhiên, các nhà làm giải VPF mùa này sẽ đối diện với những nguy cơ sụt giảm khán giả, dẫu sự nhận diện không mới và không hẳn vì ảnh hưởng lớn của dịch virus Corona đang có chiều hướng lây lan mạnh đầu mùa. Đã từng có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia nhắn nhủ nhà tổ chức ở làng bóng quốc nội hấp dẫn khán giả đến sân rất khó, giữ mới càng khó hơn. Ví như cách thức tổ chức bị động nhiều vì sắp xếp lịch đấu giẫm chân nhau giữa CLB và quyền lợi các đội tuyển quốc gia, vấn nạn pháo sáng, pháo nổ gây thương tích trên sân bóng, công tác trọng tài còn nhiều rắc rối, hay tình trạng “một thằng mập không đánh lại năm thằng ốm”…

Phần lớn từ thành công của các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo đã tạo một làn sóng hưởng ứng tích cực hơn ở làng bóng quốc nội, khiến cho người ta quên đi những cái gốc hình thành một nền bóng đá mạnh.

Không phải tự nhiên mà ông Park hay khuyến cáo VFF chăm lo đầu tư, định hướng cho công cuộc đào tạo trẻ, giữ vững sự ổn định của các giải đấu quốc nội. Ông Park khẳng định bóng đá VN đừng mơ mộng góp mặt ở đấu trường Olympic hay World Cup trong tương lai gần khi có quá ít trung tâm, học viện bóng đá chuyên nghiệp, mà cần một chiến lược đào tạo bài bản ít nhất 10 năm. Thực tế phũ phàng là đội U-23 VN thất bại ở giải U-23 châu Á, mất vé Olympic Tokyo 2020, trong khi tuyển quốc gia nếu có giành suất vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 cũng đã đến giới hạn.

Làng bóng VN từng thấy rõ nguy cơ “dịch” uy hiếp, trước mắt là khả năng đánh mất nhiều khán giả ở đầu mùa bóng mới, sau một thời gian dài “ăn theo” và ngủ quên trong vầng hào quang từ các đội tuyển.

Virus Corona đe dọa các giải đấu

Với sự diễn biến phức tạp của đại dịch Coronavirus, các nhà làm giải vẫn chờ và nghe ngóng về việc tổ chức các trận đấu có đông người. Trận mở màn mùa giải mới là Siêu cúp quốc gia giữa hai đội TP.HCM và Hà Nội ngày 7-2 trên sân Thống Nhất có thể bị hoãn để ngăn ngừa tình trạng có thể lây nhiễm bệnh. VPF chắc chắn phải sẵn sàng các phương án tạm nhưng nếu điều đó diễn ra cũng sẽ rất ảnh hưởng đến lịch thi đấu chung của nhiều giải đấu. Vì ngày sau Siêu cúp là khai mạc V-League vào ngày 21-2, hay các trận của CLB TP.HCM ở giải AFC Cup tiếp khách Yangon United ngày 11-2... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm