Đó là trường hợp oái oăm của bà VTKL, nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp thừa kế với các anh em trong nhà.
Kiện đòi di sản theo di chúc
Theo hồ sơ, tháng 7-2006, bà L. nộp đơn khởi kiện ông VVS (anh của bà) tại TAND TP.HCM. Bà L. trình bày cha mẹ bà có tất cả 10 người con ruột. Cha mẹ bà tạo lập được một căn nhà ở phường 5 (quận 8). Năm 1996, cha bà chết không để lại di chúc. Lúc đó tất cả anh chị em trong nhà đều có gia đình riêng, ở riêng nên mẹ bà tiếp tục quản lý tài sản.
Thấy bà L. độc thân, sống cùng cha mẹ từ nhỏ trong nhà này nên tháng 3-1998, mẹ bà đã ra UBND phường lập di chúc giao cho bà L. căn nhà để quản lý, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Hơn một tháng sau, mẹ bà L. mất. Sau đó do làm ăn thất bát và ly hôn, ông S. không còn chỗ ở nên đã dọn về nhà cha mẹ ở cùng.
Được một thời gian, hai anh em phát sinh mâu thuẫn nên bà L. phải dọn đến nơi khác ở. Nay bà khởi kiện yêu cầu chia thừa kế phần di sản của cha theo pháp luật và của mẹ theo di chúc. Bà muốn được quản lý toàn bộ di sản và sẽ hoàn lại giá trị cho các đồng thừa kế khác kỷ phần mà họ được hưởng từ cha.
Trong khi đó, ông S. thì cho rằng tòa cần coi lại tính hợp pháp của di chúc vì người mẹ không biết chữ, lập di chúc khi đang trọng bệnh...
Thi hành án xong, án bị hủy
Tháng 4-2010, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, công nhận căn nhà trên là di sản của cha mẹ các bên đương sự để lại. Tòa chấp nhận yêu cầu của bà L. về việc chia thừa kế, giao căn nhà cho bà quản lý, ngược lại bà L. hoàn lại các anh chị em trong nhà kỷ phần thừa kế di sản của người cha. Năm tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau đó, bà L. đã yêu cầu thi hành án (THA), nộp án phí, trả phần tiền cho các anh chị em như tòa tuyên. Mặt khác, bà còn nộp hơn 100 triệu đồng tạm ứng chi phí dự trù tổ chức cưỡng chế cho Cục THA dân sự TP.HCM (theo quy định thì người phải THA chịu chi phí này nhưng để tổ chức thi hành thì người được THA tạm ứng trước). Ngày 6-6-2013, việc cưỡng chế giao nhà cho bà L. đã được Cục THA TP tổ chức thi hành xong.
Tưởng vụ việc tới đó là xong, không ngờ đến ngày 17-12-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo đó, cấp giám đốc thẩm nhận định tòa hai cấp giao di sản cho bà L. quản lý thờ cúng nhưng chưa xác định rõ vị trí di sản dùng vào việc thờ cúng để các thừa kế khác được vào thờ cúng là chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ...
Phán quyết trái ngược hoàn toàn
Tại phiên sơ thẩm (lần hai) ngày 8-10 vừa qua của TAND TP.HCM, bà L. vẫn giữ nguyên yêu cầu cũ. Trong số các anh chị em, chỉ có một người chị ủng hộ bà L., tám người còn lại thì không đồng ý giao di sản cho bà L. quản lý, thờ cúng mà giao cho ông S. quản lý. Họ cho rằng căn nhà là sở hữu chung của 10 anh em, bà L. suốt thời gian qua không làm tròn bổn phận thờ cúng, giỗ cha mẹ... Còn bà L. thì nói bị anh chị em hăm dọa nên không dám về nhà.
Cuối cùng, tòa đã quyết định công nhận di sản trên là của 10 anh chị em nhà bà L. và giao cho ông S. quản lý, thờ cúng trong nhà.
Tiền chi phí tổ chức cưỡng chế coi như mất
Tại phiên xử, chủ tọa cho biết: Án phí (sau phiên phúc thẩm lần đầu - NV) và các khoản tiền mà bà L. hoàn trả cho các anh chị em để THA trước đây, tòa có thể tuyên trả lại cho bà. Tuy nhiên, hơn 100 triệu đồng bà L. nộp tạm ứng chi phí tổ chức cưỡng chế cho cơ quan THA thì tòa không thể tuyên trả bởi không xác định được ai phải trả, pháp luật cũng không có quy định. Trên thực tế, cơ quan THA đã dùng số tiền này để tổ chức cưỡng chế, chi trả cho các cá nhân, đơn vị tham gia cưỡng chế nên không thể đòi lại.
Luật sư của bà L. thì cho rằng ông S. (bị đơn, người bị cưỡng chế THA trước đây) phải trả tiền cho bà L. Tuy nhiên, phía ông S. nói mình không có lỗi trong việc này. Hiện hai bản án trước đã bị hủy để xử lại thì không còn giá trị pháp lý nữa nên tòa sẽ không thể dựa vào đó để buộc họ trả tiền được.
Tòa đã phải dành khá nhiều thời gian thuyết phục các anh chị em của bà L. hỗ trợ phần nào cho bà số tiền hơn 100 triệu đã chi ra này. Cuối cùng, chỉ có ba người đồng ý hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng và tòa ghi nhận.
Về tình huống này, ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) đồng tình với nhận định của tòa. Theo đó, án phí, tiền THA mà đương sự nộp vào tài khoản để thi hành có thể trả lại cho đương sự nếu bản án sau đó bị hủy và tòa xử lại theo hướng khác. Tuy nhiên, chi phí cưỡng chế là khoản chi phí hợp lý để THA thì không thể lấy lại vì trên thực tế cơ quan THA đã dùng số tiền này thực hiện cưỡng chế. Việc bản án bị hủy, xử lại là giai đoạn sau, còn giai đoạn trước đó bản án đã có hiệu lực thì phải được thi hành theo luật.
Luật chưa dự liệu Đây là tình huống mà Luật THA dân sự chưa dự liệu để điều chỉnh. Vì không có quy định, không xác định được cá nhân hay cơ quan nào có trách nhiệm hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế trong trường hợp này nên người đã tự nguyện tạm ứng chi phí đành phải chịu thiệt thòi. Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |