(PLO)- Người dân thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) chung tay giữ gìn hàng chục cây kơ nia cổ thụ có tuổi đời gần 100 năm.
Thôn Hòa Mỹ (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) hiện còn khoảng 30 cây kơ nia với tuổi đời gần 100 năm. Người dân trong thôn xem cây kơ nia là “báu vật” của làng.
Vườn kơ nia cổ thụ trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: THU THẢO Ông Văn Đình Bính, Trưởng thôn Hòa Mỹ cho hay vườn kơ nia nằm trong khuôn viên của nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ, nơi trước đây có tục danh là rừng Cấm. Kơ nia là loại cây mang đặc trưng của vùng núi rừng Tây Nguyên, nhưng lại bén rễ ở vùng đất Nhơn Phúc. Chính vì thế, bà con trong thôn xem đây là biểu tượng của quê hương.
Cây kơ nia ở Hòa Mỹ được người dân chung tay bảo vệ, nhờ đó mà đến nay, vườn kơ nia này không bị xâm hại. Tuy nhiên, qua thời gian, một số cây có hiện tượng mọt, sâu, lá cháy. Do đó, bà con trong thôn mong muốn chính quyền các cấp tiến hành kiểm tra, có biện pháp hướng dẫn để chăm sóc tốt những cây kơ nia này.
Dựa theo lời kể của các bậc cao niên trong thôn, vài chục năm trước kơ nia ở đây mọc thành rừng. Trước năm 1945, nơi đây gọi là rừng Cấm, bởi lúc đó chính quyền cấm khai thác cây cổ thụ ở đây. Ảnh:THU DỊU Người dân không biết chính xác những cây kơ nia có từ bao giờ. Tuy nhiên, qua lời kể của nhiều thế hệ trong làng, rừng kơ nia tồn tại trên dưới 100 năm. Ảnh:THU DỊU Theo Ban nhân dân thôn Hòa Mỹ, khoảng năm 80 của thế kỷ trước, người dân khai hoang khu vực rừng Cấm để sản xuất. Do đó, nhiều cây cổ thụ bị đốn gãy, một số cây bị chết do sâu mục... Đến nay, khu vực này còn khoảng 26 cây kơ nia tập trung trong khuôn viên của nhà văn hóa thôn, một số khác còn nằm rải rác trong các khu rẫy sản xuất của người dân. Ảnh: THU DỊU Gốc kơ nia cổ thụ phải ba đến bốn người lớn mới ôm xuể. Để bảo vệ những cây kơ nia còn lại, khoảng 20 năm trở lại đây, người dân thôn Hòa Mỹ có một quy luật bất thành văn là không được chặt phá cây. Ai vi phạm sẽ bị phê bình, kiểm điểm và nêu tên trong các họp thôn. Người lớn truyền lại cho lớp trẻ, phải giữ gìn cây kơ nia như một báu vật của làng. Ảnh: THU THẢO Chia sẻ thêm với PLO , ông Văn Đình Bính nói vì muốn bảo vệ cây kơ nia, bà con trong thôn thống nhất xây dựng nhà văn hóa ngay ở giữa khu vực có kơ nia mọc thành cụm. Ban đầu, nhà văn hóa thôn được chọn làm ở một địa điểm bằng phẳng hơn, nhưng bà con muốn nhà văn hóa - điểm sinh hoạt của thôn nằm dưới bóng mát của kơ nia. Ảnh: THU DỊU "Chúng tôi tính toán và bàn bạc với bà con, nếu muốn xây dựng nhà văn hóa, sân chơi đẹp, thẳng phải chặt đi ba cây. Tuy nhiên, bà con đều ý kiến làm sao thì làm, phải giữ được những cây kơ nia, và phải có tường rào xung quanh để bảo vệ. Nhờ sự quyết tâm này, mà nay bóng mát của kơ nia đã cho bà con trong thôn một điểm nghỉ ngơi, dừng chân trong những ngày nắng nực như bây giờ - trưởng thôn Hòa Mỹ nói. "Từ lúc lớn lên chúng tôi đã thấy những cây kơ nia vươn lên trời cao, tỏa bóng mát cả một góc sân rồi. Hồi nhỏ, mấy đứa trẻ chúng tôi hay lén tới những gốc cây này chơi những trò chơi của trẻ như bịt mắt bắt dê, cướp cờ, đuổi bắt... Có lẽ vì thế mà vườn kơ nia như một phần ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ quê chúng tôi. Cứ chiều chiều, người dân trong thôn hay tụ tập về nhà văn hóa, ngồi dưới gốc kơ nia để nói chuyện , còn trẻ em thì vui đùa" - chị Nguyễn Thị Vân Hồng (32 tuổi), một người dân ở Hòa Mỹ nói. Ảnh: THU DỊU "Vườn kơ nia cổ thụ ở Hòa Mỹ trở thành một địa điểm mà nhiều người về Nhơn Phúc tìm tới check-in. Trước mắt, xã động viên bà con trong thôn giữ gìn bảo vệ những cây xanh quý giá này. Ngoài ra, ở những khu vực xung quanh, chúng tôi cho thôn thống kê lại để có biện pháp bảo vệ tốt hơn" - ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn thông tin. Ảnh: THU THẢO