Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 22 hồ chứa trong tổng số 164 hồ chứa nước ở tỉnh này đã cạn. Với tình hình nắng nóng liên tục, nền nhiệt cao (35-37 độ C), dự báo Bình Định sẽ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào cao điểm từ tháng 5 trở đi.
22 hồ chứa cạn nước
Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), thông tin, qua kiểm đếm nguồn nước, hiện mực nước các hồ chứa trong tỉnh khoảng 70% so với dung tích thiết kế.
Đánh giá của Chi cục Thủy lợi, dù còn 489 triệu m3/683 triệu m3 (khoảng 70% dung tích), nhưng lượng nước hồ chứa giảm nhanh do nhu cầu cấp nước tăng, lượng mưa giảm và nắng nóng cao hơn so với bình quân các năm trước.
"Mỗi tuần lượng nước hồ chứa giảm từ 14- 19 triệu m3 nước, các hồ chứa vừa và nhỏ còn trữ thấp chỉ từ 20-40% dung tích thiết kế. Hiện có 22 hồ chứa đã cạn nước"- ông Sơn thông tin.
Nguy cơ thiếu nước vào cao điểm
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin, với tình hình hiện tại dự báo sẽ có 1.119 ha diện tích sản xuất vụ Hè Thu thiếu nước. Khoảng 6.000 hộ dân với 23.000 người thiếu nước sinh hoạt nếu nóng kéo dài liên tục từ tháng 5 tới tháng 8.
Trường hợp nắng nóng kéo dài, Bình Định có khoảng 6.009 hộ (24.036 người) có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; cụ thể huyện Vân Canh 2.061 hộ; Phù Mỹ 1.695 hộ; Tây Sơn 1.450 hộ; An Lão 730 hộ; xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) 73 hộ.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, thông tin, hiện mực nước hồ chứa trên địa bàn huyện đã giảm hơn 19% lượng nước so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn nước suy giảm, diện tích sản xuất vụ Hè Thu trên địa bàn giảm, khoảng 750 ha diện tích đất lúa được chuyển đổi sang trồng rau màu.
Ông Tuấn thông tin thêm, từ tháng 5 tới tháng 8, có khoảng 2.869 hộ dân ở 11 xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nếu trong tháng 5, địa bàn tỉnh Bình Định không có mưa thì nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt sẽ tăng lên.
"Sở có kiến nghị trình UBND tỉnh chấp thuận cho giảm không tổ chức sản xuất vụ Hè Thu đối với 1.911 ha. Đồng thời đề xuất hỗ trợ gạo cho hộ dân ở vùng không sản xuất được. Với vùng có nước tưới, khuyến khích chuyển đổi cây trồng cạn để tiết kiệm nước. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, Bình Định đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình nước sạch, đấu nối hệ thống đường ống cho tới nhà dân; bố trí xe chuyên chở nước sạch về các vùng thiếu nước"- ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, thông tin.
"Thay vì trồng lúa, vụ Hè Thu, gia đình tôi chuyển 2 sào lúa sang sản xuất rau màu, chủ yếu trồng dưa các loại"- bà Lê Thị Thanh Sương, xã Cát Tài, huyện (Phù Cát, Bình Định).
"Với vùng khô hạn như Phù Mỹ, chuyển sang trồng các giống rau màu chịu nhiệt là phù hợp nhất. Chúng tôi chuyển qua trồng mè, hành, đậu phụng... Một vụ sản xuất lúa, một vụ sản xuất rau màu"- bà Nguyễn Thị Hương, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định).