Gần một tháng qua, trạm thu phí Mỹ Lộc trên địa bàn huyện Mỹ Lộc, Nam Định liên tục phải xả trạm vì nhiều tài xế ngừng xe trên làn thu phí, không chịu mua vé qua trạm. Các tài xế phản đối nêu lý do là trạm BOT Mỹ Lộc đặt sai vị trí và mức phí cao gấp nhiều lần so với các trạm BOT khác.
Lập chốt phản đối
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, những ngày qua nhiều tài xế tiếp tục trưng khẩu hiệu phản đối trước trạm BOT Mỹ Lộc khiến tình trạng ách tắc giao thông liên tục xảy ra, buộc chủ BOT Mỹ Lộc phải nhiều lần xả trạm. Đỉnh điểm của việc phản đối là có nhiều ô tô trưng khẩu hiệu “Phản đối BOT Mỹ Lộc - Chúng tôi không đi, không trả tiền” khi đi qua trạm.
Các tài xế phản đối vì cho rằng trạm Mỹ Lộc đặt sai vị trí. Cụ thể, việc lập ra trạm này là để thu phí đoạn đường BOT 3,9 km nhưng trạm lại nằm trên phần đường BT (do Nhà nước đầu tư) và mức phí BOT tại đây cao gấp nhiều lần so với mức phí tại nhiều tuyến đường BOT khác.
Chưa dừng lại, một số tài xế tiếp tục lập chốt bằng cách mang bàn ghế, máy phát điện đến trạm BOT này thay nhau trực 24/24 giờ để phản đối việc thu phí. Họ hướng dẫn xe đi vào làn đường rộng 5 m mà họ cho rằng do Sở GTVT tỉnh Nam Định đầu tư nên không phải nộp phí.
Một ô tô với khẩu hiệu phản đối mua vé qua trạm BOT Mỹ Lộc. Ảnh: Đ.TRUNG
Nhập nhằng BT và BOT
Tài xế Nguyễn Mạnh Hiệu, một tài xế phản đối BOT Mỹ Lộc, cho hay ông đã nhiều lần gửi đơn đến Công ty CP Tasco, Công ty TNHH MTV Tasco 6 (chủ đầu tư trạm BOT Mỹ Lộc) đề nghị giải thích việc thu phí tại trạm này. Theo ông Hiệu, tuyến đường tránh TP Nam Định đoạn từ quốc lộ 10 (Siêu thị Big C Nam Định) đến thị trấn Mỹ Lộc dài 3,9 km, rộng 10 m, trong đó có nửa phần đường rộng 5 m là do Sở GTVT tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Vì được đầu tư theo hình thức BT nên các xe lưu thông trên phần đường này sẽ không bị thu phí.
“Chúng tôi không chống đối việc thu phí nhưng phải thu hợp lý vì phí xe hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến giới vận tải. Chúng tôi cần một giải thích rõ ràng từ phía Tasco và các cơ quan chức năng, nếu giải đáp thỏa đáng thì chúng tôi sẽ chấp hành nộp phí. Nếu không thì phải xả trạm để xe cộ lưu thông thuận lợi” - ông Hiệu bày tỏ.
Nam Định bỏ tiền ngân sách để mở rộng thêm làn đường, thu hẹp dải phân cách nhằm phát huy hiệu quả của tuyến đường tránh TP Nam Định. Hơn nữa, vốn trước đó được đầu tư theo hình thức BOT là theo đúng quy hoạch. Nếu tỉnh không đầu tư thêm hai làn đường, các xe đi qua tuyến này vẫn phải trả phí. Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định |
Trả lời những thắc mắc này, tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định, cho rằng biết tuyến đường tránh TP Nam Định dài 3,9 km, nối từ quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo quy hoạch dự kiến mở rộng 48 m với sáu làn xe. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký giữa UBND tỉnh Nam Định và nhà đầu tư Tasco vào năm 2008, nhà đầu tư Tasco chỉ làm tuyến đường này rộng 20,5 m với bốn làn xe, giữa có dải phân cách. Lý do nhà đầu tư đưa ra là nếu làm sáu làn xe sẽ tăng vốn đầu tư cũng như tăng thời gian thu phí hoàn vốn.
Vì thế, ngày 24-1-2011, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 161 phê duyệt dự án mở rộng tuyến đường tránh TP Nam Định đoạn từ thị trấn Mỹ Lộc tới quốc lộ 10. Dự án mở rộng thêm làn đường chính mỗi bên 5 m so với dự án đường BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án là gần 86 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Số kinh phí trên không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án BOT trên.
Tuần tới họp xem xét vấn đề BOT Mỹ Lộc Ông Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết ông vừa ký văn bản yêu cầu công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Mỹ Lộc, Sở GTVT, Công ty CP Tasco, Công ty TNHH MTV Tasco 6 chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại trạm thu phí Mỹ Lộc, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật. Các lực lượng liên quan có giải pháp phân làn, phân luồng khi xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, tỉnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, rà soát toàn bộ các hồ sơ liên quan đến trạm thu phí BOT Mỹ Lộc để họp với các ban, ngành, chủ đầu tư trạm thu phí trong tuần tới. |