Chiều 23-7, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) tổ chức cuộc họp với nhà thầu phụ là Công ty TNHH Thành Nơi cùng ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang để tìm hướng giải quyết việc thiếu ngân sách thanh toán cho nhà thầu.
Không chịu trách nhiệm với thầu phụ
Tại cuộc họp, phía Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nêu rõ chủ đầu tư (CĐT) và Công ty Thành Nơi không ký kết hợp đồng cũng như không có bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc thi công gói thầu XL-13 của dự án. Vì vậy CĐT không có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Công ty Thành Nơi.
Đối với sự việc liên quan đến Công ty cổ phần Cầu 12, CĐT đề nghị Công ty Thành Nơi và Công ty Cầu 12 tự giải quyết nghiệm thu thanh toán khối lượng đã thực hiện theo hợp đồng giữa hai bên. Trường hợp Công ty Cầu 12 và Công ty Thành Nơi có văn bản đề nghị CĐT hỗ trợ, CĐT sẽ hợp tác và hỗ trợ các đơn vị theo quy định pháp luật và khi có điều kiện phù hợp.
Theo đó, Công ty Thành Nơi là nhà thầu được Công ty Cầu 12 thuê thi công gói thầu XL-13 nhưng hiện nay chưa trả chi phí cho Công ty Thành Nơi. Cũng theo đại diện CĐT, đối với các khoản thanh toán khối lượng thi công của Công ty Cầu 12, CĐT sẽ tạm giữ lại và chưa thanh toán cho công ty này.
“Trường hợp Công ty Cầu 12 có văn bản ủy quyền thanh toán cho Công ty Thành Nơi thì CĐT sẽ thanh toán chuyển khoản vào tài khoản của Công ty Thành Nơi như nêu tại văn bản đề nghị của Công ty Cầu 12” - đại diện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho hay.
Cũng tại cuộc họp này, Công ty Thành Nơi đã đồng ý ký vào biên bản làm việc, cam kết không tiếp tục yêu cầu CĐT và các nhà thầu thi công gói thầu XL-13 tạm dừng thi công dự án, không cản trở công tác thi công của dự án.
Các nhà thầu ngưng thi công (sáng 23-7), yêu cầu chủ đầu tư trả nợ. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chưa xác định thời điểm giải ngân
Trước đó, sáng 23-7, Công ty Cầu 12 đã ngưng thi công gói thầu XL-13 của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn qua quốc lộ1, nút giao Cái Bè, Tiền Giang) và căng băng rôn đòi nợ CĐT.
Theo nhà thầu này, nguyên nhân của việc ngưng thi công là do CĐT không có tiền thanh toán cho nhà thầu trong suốt thời gian qua, khiến các nhà thầu thi công không có tiền trả lương cho công nhân và mua vật liệu xây dựng.
Sáng cùng ngày, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho hay dù biết nhà thầu đã rất nỗ lực nhưng hiện chỉ mới có phần vốn của nhà đầu tư và hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng của tỉnh Tiền Giang. Riêng phần ngân sách nhà nước cho dự án mặc dù đã được ghi vốn 2.186 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa xác định thời điểm giải ngân. Vốn tín dụng (vốn vay ngân hàng) chưa có dù hợp đồng tín dụng đã được ký kết từ tháng 6-2018.
Dự án đã được tái khởi động hơn ba tháng sau các động thái tích cực hỗ trợ giải quyết hàng loạt vướng mắc từ các bên liên quan như tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, nhà thầu, Bộ Công an, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, thanh tra thuế... Tuy nhiên, nếu nguồn vốn không được khơi thông thì dự án sẽ tiếp tục bị đình trệ.
Ông Mai Mạnh Hồng chia sẻ thêm về khó khăn của dự án: Phía ngân hàng cho vay cũng đưa ra các yêu cầu khó khăn khác. Cụ thể, đối với phần vốn ngân sách nhà nước tham gia, ngân hàng yêu cầu đảm bảo 2.575 tỉ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư). Trong khi đó, phần vốn chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án là 2.186 tỉ đồng thì việc cân đối, bố trí thêm vốn nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn hiện nay cần có sự đồng ý của Chính phủ. |
“Nếu dự án không được hoàn thành thủ tục điều chỉnh, không xác định nguồn vốn như cam kết từ phía Nhà nước và các ngân hàng tài trợ thì đến cuối tháng 8 lại phải tạm dừng. Hiện doanh nghiệp dự án và nhà thầu đang xác định điểm dừng kỹ thuật để tránh thiệt hại” - ông Hồng nói.
Cũng trong sáng 23-7, đại diện doanh nghiệp dự án cho hay đơn vị sẵn sàng làm việc với Công ty Cầu 12 và Công ty Thành Nơi để ứng tiền thanh toán cho thầu phụ với khối lượng đã thi công và tiếp tục tìm các giải pháp khác để duy trì hoạt động dự án. Tuy nhiên, vẫn phải xác định thời điểm có vốn nhà nước hỗ trợ, thời điểm giải ngân tín dụng hoặc có câu trả lời thỏa đáng của các cơ quan có thẩm quyền và ngân hàng là “bao giờ có tiền”.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Mạnh Hồng thông tin: “Hiện nay CĐT với nhà thầu đã huy động hết nguồn lực, trong đó CĐT huy động 2.500 tỉ đồng, nhà thầu cũng huy động hết vốn tự có của họ, tỉnh Tiền Giang cũng tạm ứng hơn 170 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng”.
Ông Hồng cũng cho biết vốn tín dụng của dự án với ngân hàng khoảng 9.000 tỉ đồng cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. “Lúc trước, các điều kiện mà ngân hàng đưa ra chúng tôi đã từng bước tháo gỡ và đáp ứng nhưng hiện họ lại đưa ra nhiều điều kiện khó khăn hơn như cam kết đảm bảo doanh thu, cơ quan chức năng cũng không được mở đường làm giảm doanh thu của dự án” - ông Hồng nói.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1 km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng. Trước đó, ngày 22-3, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |