Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể phải dừng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, thông tin: “Hiện nay chủ đầu tư với nhà thầu đã huy động hết nguồn lực, trong đó chủ đầu tư huy động 2.500 tỉ đồng, nhà thầu cũng huy động hết vốn tự có của họ, tỉnh Tiền Giang cũng tạm ứng hơn 170 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nếu đến tháng 8 không có nguồn vốn thì khả năng dừng dự án là rất cao”.

Gặp khó về nguồn vốn

Theo ông Hồng, dự án này đến nay chưa được giải ngân một đồng nào của vốn ngân sách hoặc vốn tín dụng. Về ngân sách, vốn nhà nước ghi cho dự án là 2.186 tỉ đồng, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội để có thể giải ngân con số này cho dự án nhưng đến thời điểm hiện tại, thủ tục này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Hồng cũng cho biết vốn tín dụng (vốn vay) của dự án với ngân hàng khoảng 9.000 tỉ đồng cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. “Lúc trước, các điều kiện mà ngân hàng đưa ra chúng tôi đã từng bước tháo gỡ và đáp ứng nhưng hiện họ lại đưa ra nhiều điều kiện khó khăn hơn như cam kết đảm bảo doanh thu, cơ quan chức năng cũng không được mở đường làm giảm doanh thu của dự án” - ông Hồng nói.

Ngoài ra, ông Hồng chia sẻ: Phía ngân hàng cũng đưa ra các yêu cầu khó khăn khác. Cụ thể, đối với phần vốn ngân sách nhà nước tham gia, ngân hàng yêu cầu đảm bảo 2.575 tỉ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư). Trong khi đó, phần vốn chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án là 2.186 tỉ đồng thì việc cân đối, bố trí thêm vốn nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn hiện nay cần có sự đồng ý của Chính phủ.

Đối với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước) khoảng 3.765 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang có nguy cơ tạm dừng. (Ảnh do doanh nghiệp dự án cung cấp)

10 năm, dự án đạt hơn 23% tiến độ

Trong động thái mới nhất, liên danh các nhà đầu tư đã có đề nghị ngân hàng thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của hợp đồng tín dụng. Đồng thời, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã có ý kiến khẳng định việc khơi thông nguồn vốn vay là rất quan trọng và đề nghị ngân hàng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của hợp đồng tín dụng. Qua đó sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sau 10 năm khởi động, đến tháng 4 vừa qua, dự án chỉ mới thực hiện được 10% khối lượng công việc, hiện tại là hơn 23%. “Sau ba tháng, chúng tôi khởi động lại dự án thì các đơn vị thi công đã thực hiện được hơn 23% khối lượng dự án” - ông Hồng khẳng định.

Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao mặt bằng trên tuyến chính đạt hơn 99%; ủy ban tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Theo báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay, với các gói thầu xây lắp, đã thẩm định và phê duyệt hồ sơ là 21/25 gói thầu. Còn lại bốn gói đang thực hiện gồm: Hệ thống an toàn giao thông và hộ lan, hệ thống chiếu sáng, trạm thu phí và thiết bị trạm thu phí.

Doanh nghiệp dự án đã tổ chức phê duyệt tạm dự toán 21/25 gói thầu. Đến nay đã tổ chức triển khai thi công 19 gói thầu xây lắp.

Đã từng thay thế nhà đầu tư

Theo Bộ GTVT, tuyến đường Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51 km, rộng 17 m, đi qua tỉnh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 9.668,5 tỉ đồng theo hình thức BOT. Theo mục tiêu đề ra, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Khởi công năm 2009, dự án được đánh giá là chậm so với tiến độ. Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn; do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP cũng như năng lực của nhà đầu tư dự án. Đến tháng 2 vừa qua, Chính phủ đồng ý thay thế nhà đầu tư dự án và đến tháng 4 thì dự án được tái khởi động. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm