“Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, xét năng lực thực tế hiện nay của Công ty TNHH Yên Khánh (chiếm 30% cổ phần), Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án, sau đây viết tắt là Công ty BOT - PV), đề nghị Bộ GTVT thống nhất bổ sung nhà đầu tư khác bằng việc thay thế và kế thừa toàn bộ số cổ phần của Công ty Yên Khánh”. Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT, nêu ý kiến như trên trong văn bản báo cáo khó khăn dự án vừa gửi Bộ GTVT.
Thay thế nhà đầu tư
Theo đó, Công ty BOT có đề xuất thay thế nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh bằng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả - PV) hoặc Công ty CP Đầu tư cầu đường CII (đang giữ cổ phần 10% dự án).
Giải thích về lý do đưa ra đề xuất thay thế này, Công ty BOT cho biết hiện nay Công ty Yên Khánh đang vướng nhiều vấn đề pháp lý nên ảnh hưởng đến các bên liên quan của dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án cũng yêu cầu phải thay thế Công ty Yên Khánh và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.
Công ty BOT cũng kiến nghị được bổ sung nhân sự điều hành doanh nghiệp dự án (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, ban cố vấn…) từ Tập đoàn Đèo Cả để thực hiện công tác quản trị và điều hành triển khai dự án.
Nói về việc được đề xuất thay thế, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết đơn vị đã có kinh nghiệm “giải cứu” thành công nhiều dự án gặp khó khăn như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Đèo Cả - Khánh Hòa, hầm đường bộ đèo Cả.
“Xuất phát điểm của các dự án trên đều do các nhà đầu tư khác đề xuất, đều bị vướng do việc thu xếp vốn, tranh chấp thu phí... dẫn đến không thể triển khai” - đại diện tập đoàn Đèo Cả nói.
Vị này cho hay việc thay thế nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại điều 54 của hợp đồng BOT (dự án thực hiện theo Nghị định số 15/2015 nên việc chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng vẫn đang được thực hiện bình thường (không hạn chế việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư).
Tuy nhiên, thời điểm này Tập đoàn Đèo Cả xác định tập trung tháo gỡ thông qua các giải pháp: Rà soát tổng thể về mặt pháp lý; xem xét tổng mức đầu tư thông qua việc kiểm soát nguồn vật liệu, tối ưu giải pháp tổ chức thi công… nhằm điều chỉnh tổng mức đầu tư, phương án thu phí phù hợp và đặc biệt giải quyết các xung đột của các nhà đầu tư, nhà thầu để hài hòa lợi ích giữa các bên.
Công ty BOT đề xuất thay thế nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ngoài ý tưởng thay thế nhà đầu tư, Công ty BOT còn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp nhận chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang để chủ động xử lý các vướng mắc của dự án như lãi vay, phương án thu phí… Đặc biệt, việc kiểm soát nguồn vật liệu và giải quyết hiện tượng giải phóng mặt bằng ở dạng “xôi đỗ” là những yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành dự án.
“Để giảm bớt thủ tục trung gian, tăng cường nhân sự, đẩy nhanh tiến độ các dự án tương tự đã được Thủ tướng chấp nhận chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về địa phương trong thời gian qua như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hạ Long - Vân Đồn…” - Công ty BOT cho biết về lý do đưa ra phương án trên.
Sáu vướng mắc ngoài tầm doanh nghiệp dự án
Theo hợp đồng tín dụng Công ty BOT ký với bốn ngân hàng vào ngày 15-6-2018 (vay 6.850 tỉ đồng) thì có tổng cộng 20 điều kiện tiên quyết phải hoàn thành trước ngày giải ngân vốn vay.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.669 tỉ đồng. Nhà đầu tư gồm: Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (30%), Công ty TNHH Yên Khánh (30%), Công ty CP ĐTXD BMT (10%), Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%), Công ty Cổ phần Hoàng An (10%), Công ty CP Đầu tư cầu đường CII (10%). |
“Có 14/20 điều kiện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của Công ty BOT và nhà đầu tư, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành và được ngân hàng chấp nhận. Còn sáu điều phụ thuộc vào phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng và Bộ GTVT” - văn bản nêu.
Cụ thể, hai điều liên quan thế chấp tài sản, ba điều liên quan lãi suất vốn vay và phần hỗ trợ của Nhà nước cho dự án, cuối cùng là về việc ngân hàng đề nghị thay thế Công ty Yên Khánh như đã nêu trên.
“Các vướng mắc này nằm ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp dự án nên nguồn tín dụng chưa khơi thông được” - văn bản khẳng định.
Đặc biệt, khó khăn về phương án tài chính (đã được Bộ GTVT phê duyệt) là lãi suất vốn vay 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký là 10,8%/năm, chênh lệch lãi suất được ghi nhận là quá lớn. Vốn chủ sở hữu là 15,96% trên tổng vốn cũng thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với vốn chủ đối ứng là 30%.
“Không những vậy, phương án tài chính cũng bị phá vỡ do không thể thực hiện được việc hỗ trợ nguồn doanh thu thu phí tại dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương” - Công ty BOT tiếp tục nêu khó khăn.
“Bộ GTVT sớm có báo cáo Thủ tướng, đồng thời trong tháng 2 sắp xếp lịch để nghe nhà đầu tư báo cáo các giải pháp tháo gỡ nhằm sớm triển khai dự án, đảm bảo tiến độ thông toàn tuyến vào năm 2020 làm cơ sở kết nối với tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ” - Công ty BOT đưa ra giải pháp.
Được biết Bộ GTVT đã có văn bản trả lời các đề xuất của Công ty BOT. Theo đó, liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng về việc không thực hiện chuyển nhượng nhà đầu tư ở thời điểm này. Vấn đề này sẽ do Thủ tướng quyết định. Về đề nghị chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ cho rằng cần có ý kiến của tỉnh Tiền Giang và quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Bộ GTVT cũng đã có báo cáo Thủ tướng xem xét tháo gỡ về lãi suất vay và trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, Bộ sẽ triển khai thực hiện. |