Chiều 19-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án, các vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ, đảm bảo thông tuyến này vào năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự án được khởi động từ năm 2015 nhưng trong thời gian qua có nhiều vướng mắc. Có những vướng mắc vượt thẩm quyền Bộ GTVT. Chính phủ cũng đã kết luận trong đó có việc chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về Tiền Giang đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dù vậy, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang để triển khai dự án này.
Bộ trưởng Thể thông tin Thủ tướng đã cho điều chỉnh dự án, bố trí khoản kinh phí 2.186 tỉ đồng và Bộ GTVT đã ký văn bản đề nghị bố trí nguồn vốn này phục vụ dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết Tiền Giang đã giải tỏa 50,51 km, đạt 98% kế hoạch, chỉ còn 590 m chưa bàn giao. Tỉnh sẽ quyết liệt trong thời gian tới, đồng thời chủ tịch tỉnh trực tiếp họp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc.
Tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên môn để thực hiện công tác quản lý dự án. Tổ chức các cuộc họp liên tục để triển khai các công việc, phân công cho từng thành viên lập các nhóm công tác. Về vật liệu phục vụ công trình, tỉnh sẽ xem xét giá vật liệu và đang xem xét cấp phép lại các mỏ cát đã hết hạn khai thác. Trước mắt, tỉnh sẽ làm việc với các tỉnh lân cận có các mỏ đang khai thác để hỗ trợ nguồn cát cho dự án.
Về phương án tài chính, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng bày tỏ băn khoăn do thủ tục chưa hoàn tất nên chưa tiếp cận vốn ngân hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với nguồn vốn ngân sách theo kết luận của Thủ tướng, Chính phủ mới trình Quốc hội được 500 tỉ đồng. Địa phương đã kiến nghị Chính phủ giải ngân phần vốn này sớm.
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, chia sẻ thêm từ khi khởi động lại dự án đến nay, khối lượng công trình chỉ đạt 15%, trong khi đó dự án cũng đã kéo dài 10 năm nay. “Tiền Giang được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, địa phương xác định đây là trọng trách đặc biệt. 10 năm qua có lúc chúng ta đổ lỗi cho nhau, chính vì cái này mà không thể thực hiện dự án. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên tinh thần quyết tâm thật cao” - ông Danh nói.
Theo Bộ trưởng Thể, khó khăn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu. “Chúng tôi hoan nghênh cùng nhà đầu tư, cơ quan của Bộ đã có những chuyển động. Tôi đề nghị Bộ và tỉnh ra thông báo chung. Ít nhất một tháng một lần họp ba bên để kiểm soát tiến độ dự án” - Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
“Tất cả chúng ta phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo cơ bản thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020” - Bộ trưởng Thể khẳng định.
Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) theo hình thức BOT có chiều dài toàn tuyến là 51,1 km. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng. Hiện dự án mới đạt khoảng 15% tổng khối lượng thi công. |