BS nói đến biến chứng lo ngại nhất khi trẻ mắc tay chân miệng

(PLO)- Đáng lo ngại nhất ở trẻ mắc tay chân miệng là biến chứng ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch.

Video: BS nói đến biến chứng lo ngại nhất khi trẻ mắc tay chân miệng

Vừa qua, trong livestream chuyên đề “Bệnh tay chân miệng vào mùa và cách chăm sóc trẻ đúng cách”, BS Trương Hữu Khanh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến căn bệnh này.

Tay chân miệng (TCM) gây tổn thương ở tay, chân và miệng, lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh gây tổn thương bóng nước trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh thường diễn tiến tự nhiên nhưng cũng có những biến chứng. Đáng lo ngại nhất là ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch dẫn đến tử vong rất nhanh.

Vaccine phòng TCM hiện chỉ có Trung Quốc sản xuất nhưng không nhập về Việt Nam. Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại vaccine của Đài Loan tại 2 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp và Tiền Giang.

TCM lây lan rất nhanh, phần vì trẻ thường chơi chung phần vì biểu hiện bệnh không bộc phát ra ngoài sớm.

BS Trương Hữu Khanh giải đáp thắc mắc về bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ảnh chụp màn hình

Trẻ bị TCM thì tay, gối, bàn chân, mông sẽ nổi bóng nước, có trẻ chỉ nổi bóng nước, lở ở miệng, biếng ăn, chảy nước miếng hay sốt.

Để phòng bệnh TCM, cần cho trẻ ăn sạch, uống sạch, rửa tay thường xuyên.

Khi trẻ mắc bệnh thì nên cho ở nhà, không cho đi học, báo cho nhà trường biết để trường có biện pháp theo dõi các bạn, vệ sinh sạch sẽ lớp học, đồ chơi để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác. Cha mẹ cũng nên vệ sinh nhà cửa, hạn chế cho trẻ ra ngoài. Trong vòng 10 ngày nguồn lây sẽ giảm.

Bệnh này để tự nhiên vẫn tự hết, tỉ lệ khoảng 90%, chỉ có một tỉ lệ nhỏ biến chứng. Do đó, khi trẻ bị TCM, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.

Nếu trẻ mắc bệnh, thường chỉ điều trị triệu chứng. Quan trọng nhất, khi mắc bệnh trẻ thường khó ăn, lúc đó nên cho trẻ ăn thức ăn không nóng quá, cay quá, mặn quá, cứng quá. Nên cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, dễ nuốt. Nếu trẻ bị lở miệng quá đau, có thể sử dụng các thuốc bôi, giảm đau để trẻ ăn uống được.

Nên nhớ, trẻ bệnh vẫn tắm rửa bình thường, không bôi gì lên da. Cố gắng theo dõi dấu hiệu nghi ngờ biến chứng để đến bệnh viện. Còn lại đa số trường hợp khoảng từ 5 đến 10 ngày sẽ tự hết.

Có người hỏi TCM dùng kháng sinh cho trẻ có được không, thì TCM là do virus gây ra, không bội nhiễm không cần kháng sinh. Nếu trong miệng trẻ lở nhiều, đỏ thì mới nghĩ tới chuyện đó, và nếu có dùng thì phải theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua dùng.

Khi trẻ bệnh, nên chuẩn bị 2 loại thuốc là giảm đau và hạ sốt. Nhà có con nhỏ nên có sẵn hai loại thuốc này trong tủ thuốc gia đình để phòng ngừa con sốt, đau. Còn lại những loại thuốc khác cần phải có toa của BS mới được dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới