Bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng ốc xà cừ nổi bật trong dòng người đến viếng

(PLO)- Nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã mất hai tháng để làm bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng ốc xà cừ trên nền gỗ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-7, đông đảo lãnh đạo, người dân, cơ quan, đơn vị đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-27.jpg
Đông đảo lãnh đạo, cán bộ, người dân... đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: THUẬN VĂN

Khảm chân dung bác bằng ốc xà cừ

Hòa vào dòng người đến viếng ở Hội trường Thống Nhất, nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) khiến nhiều người tò mò nhìn theo và ấn tượng bởi bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được khảm bằng vỏ ốc xà cừ mà ông Huỳnh bê trên tay.

Bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng ốc xà cừ nổi bật trong dòng người đến viếng-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-24.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang theo bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do mình làm đến viếng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Tôi làm bức chân dung này bằng tất cả sự kính trọng nhất của tôi với bác, với những điều bác đã làm với đất nước, dân tộc” - ông Huỳnh mở lời và cho biết bức chân dung này được ông ấp ủ từ lâu và bắt tay làm từ khoảng hai tháng trước.

“Theo dõi hành trình của Tổng Bí thư trong nhiều năm qua, với tình thương quý mà tôi nảy ra ý tưởng làm nên bức tranh này bằng chất liệu ốc xà cừ trên nền gỗ. Khi bức tranh còn đang dang dở thì tôi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi nén đau thương để gấp rút hoàn thành và đến lễ viếng bác” – ông Huỳnh kể.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-25.jpg
Chân dung Tổng Bí thư được khảm bằng ốc xà cừ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông cho biết muốn mang bức chân dung này đến viếng Tổng Bí thư và sau đó mang về treo ở nhà. Qua đó, để mỗi lúc khi nhìn thấy Tổng Bí thư, ông và gia đình, con cái sẽ nhìn thấy tấm gương sáng để học tập và làm theo.

Cầm sách của Tổng Bí thư đến viếng

Hòa vào trong dòng người đến viếng, trên tay PGS.TS Hà Minh Hồng, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, vẫn cầm không rời cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Hồng cho biết đi đâu, ông cũng cầm theo sách của Tổng Bí thư như một cẩm nang để nhắc nhở bản thân.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-26.jpg
Nhiều người dân xúc động khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: THUẬN VĂN

“Hình như tiếng nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đi cùng, đồng hành với chúng ta chứ không xa cách” - ông Hồng nói và cho biết hơn 40 tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản đã thể hiện rõ được phong cách “nói và làm” của ông.

Những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là những di sản văn hóa, tạo niềm tin trong nhân dân...

Là mất mát lớn với TP.HCM

Bày tỏ thương tiếc khi viếng người lãnh đạo được dân kính yêu, đại biểu Quốc hội (QH) Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định trong suốt thời gian lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ nhiều hoạt động của QH, Qua đó, tạo điều kiện cho đại biểu QH góp phần xây dựng luật pháp và quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng nhìn nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm, ủng hộ cho TP.HCM thông qua những nghị quyết đặc thù cho TP như Nghị quyết 54/2017, Nghị quyết 98/2023. Tổng Bí thư mong muốn TP.HCM tiếp tục sáng tạo, đổi mới và tiếp tục góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

“Đối với TP.HCM, sự ra đi của Tổng Bí thư là một mất mát lớn, người dân, cán bộ TP sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện huấn thị, chủ trương đường lối mà Tổng Bí thư và Trung ương đã đề ra” - ông Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm