LTS: Giang hồ đất cảng là một “thương hiệu” có thật. Dù muốn hay không, nó vẫn là một hiện tượng xã hội ảnh hưởng đến đời sống an ninh trật tự của đất nước. Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của hai nhà nghiên cứu lý giải về hiện tượng này.
Cùng với Hà Nội và Nam Định thì Hải Phòng (HP) là một trong ba tỉnh/thành có sự khác biệt văn hóa rõ nét nhất ở miền Bắc. Tuy nhiên, nếu nhắc đến Nam Định như là vùng đất của giới sĩ phu, nhắc đến Hà Nội với sự phồn hoa đô hội và văn hóa Kẻ Chợ thì người ta lại nhắc đến HP với nhiều dấu ấn khác nhau. Đó là vùng đất giao thương, là cánh cửa mở ra thế giới khi đất nước còn chưa hội nhập, là nơi con người ta ăn sóng nói gió, sống khoáng đạt, quyết liệt và “chịu chơi”.
Đất đó một mình một kiểu
Rất khó có thể lý giải đâu là nguyên nhân hình thành tính cách của người dân HP nói chung, giới giang hồ đất cảng nói riêng. Bởi lẽ quá trình này đã diễn ra và tích tụ từ rất lâu, tạo thành tầng tầng lớp lớp trầm tích.
Trong số đó, nguyên nhân đầu tiên không thể không nhắc đến là “địa văn hóa” của HP có sự khác biệt hơn hẳn so với các tỉnh/thành và vùng miền khác. HP là thành phố nhỏ nhưng lại có lịch sử phát triển lâu đời. Là thành phố đứng trước biển nên người HP cũng có sự khoáng đạt, coi trọng nghĩa khí của cư dân miền biển, lại có cả sự lọc lõi của những người sớm mở cửa kinh doanh buôn bán với thế giới. Sự lọc lõi đó đôi khi bị các thế lực biến thành trí trá, xảo quyệt để “xử lý” lẫn nhau, giành giật địa bàn.
Yếu tố thứ hai phải kể đến là “thể chế chính trị”. Mặc dù HP không phải là một lãnh địa riêng nhưng cách quản lý của chính quyền thành phố dường như vẫn có điểm khác biệt so với các vùng miền khác. Nhiều đời lãnh đạo thành phố HP đều là những người có phong cách quyết liệt, mạnh mẽ. Có lẽ, chính bởi sự quyết liệt này mà HP luôn là thành phố tiên phong trong việc phát triển kinh tế, cả dưới thời bao cấp lẫn giai đoạn hiện đại bây giờ. Dưới thời bao cấp, đây là nơi đi đầu trong việc phá sự kiềm tỏa của chế độ xin - cho bằng sự mở cửa cho kinh tế viễn dương. Bởi thế, lối sống chủ yếu của nhiều người dân HP lúc bấy giờ là lối sống hoa hồng, hoa tiêu, chỉ trỏ. Khi kinh tế viễn dương sụp đổ, HP không chao đảo mà lại nhanh chóng tìm cho mình một hướng phát triển mới, tuy vẫn dựa vào cảng biển nhưng cảng biển không còn là lĩnh vực độc tôn nữa.
Chính vùng đất cửa biển mở ra thế giới, nơi giao thương, hội cư… đã góp phần tạo nên tính cách khoáng đạt, quyết liệt của người HP. Ảnh: TƯ LIỆU
Sự bí hiểm của HP cũng là một nét riêng. Sự bí hiểm không chỉ tồn tại trong thế giới ngầm. Đối với thế giới ngầm, sự bí hiểm này góp phần giữ kín những bí mật động trời - yếu tố quyết định sự sống còn của các băng nhóm giang hồ.
Chính những đặc trưng rất riêng này đã làm nên dấu ấn HP. Như vậy, có thể thấy đất đó một mình một kiểu!
Thái độ của chính quyền và tâm lý xã hội
Vấn đề tội phạm trong giới trẻ thì vùng miền, tỉnh, thành nào cũng có, không riêng gì HP. Nhưng tại sao tội phạm ở địa phương này lại nảy nở nhanh chóng hơn và tồn tại lâu dài hơn so với các tỉnh, thành khác?
Hiện không ai có đủ điều kiện và bằng chứng để khẳng định là lực lượng chống tội phạm và tội phạm ở đất cảng cộng sinh với nhau. Tuy nhiên, hai lực lượng này như hai trang của một tờ giấy, hai mặt của một vấn đề. Sự tồn tại của anh này sẽ quy định tầm mức, chiến công của anh kia. Cũng không loại trừ khả năng có những lực cản khiến chính quyền địa phương không dễ xóa sổ hoàn toàn các băng nhóm tội phạm ở đây.
Không loại trừ khả năng một bộ phận người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và tội phạm bắt tay với nhau vì chính quyền không thể không nắm rõ những băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức trên địa bàn. Thế nhưng các nhóm tội phạm này vẫn hoạt động ngang nhiên, từ năm này qua năm khác. Tất nhiên, cái bắt tay ngầm này được che đậy bằng sự khách quan trên bề mặt nên không ai có đầy đủ số liệu, bằng chứng để có thể phân tích sâu mà chỉ có thể phát biểu bằng cảm nhận.
Và còn điều này nữa: Sự tồn tại của các nhóm giang hồ đất cảng, gần như được cả xã hội thừa nhận dù chỉ cần nhắc đến là người ta đã thấy “chờn”, thấy rợn rợn. Điều đó đã phá hoại tâm lý “yên dân” trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi tư duy nhiệm kỳ của những người làm công tác quản lý xã hội. Dường như họ không dám làm đến cùng mà chỉ nhăm nhăm lập chiến tích trong thời gian nắm quyền bằng một hay một vài vụ phá án lừng lẫy.
PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH
ĐỖ HÀ ghi
Giá trị ảo chi phối giới trẻ HP vốn là vùng đất phên dậu của xứ Đông. Xứ Đông thời xưa lấy trung tâm là Hải Dương, còn HP là ngoại vi. Đây là vùng đất cửa sông, ven biển, hội tụ nhiều dòng người từ các địa phương khác đến lập nghiệp. Từ thời Ngô Quyền đánh giặc ngoại xâm đã có nhiều quân lính là người xứ khác đến đóng quân, đánh giặc, sau đó lấy vợ lập nghiệp ở vùng này. Sau này, HP tiếp nhận nhiều đợt người hội cư khác đến làm ăn sinh sống, trong đó đa phần là người lao động nghèo… Những điều kiện về địa lý, lịch sử như trên đã góp phần hình thành nên tính cách người HP là ăn sóng nói gió, bạo liệt, như cụ Nguyễn Trãi từng nhận xét trong dư địa chí là người HP có tính cách hung tợn. Đến thời người Pháp xây dựng cảng HP, những đợt hội cư lại tiếp tục. HP trở thành đô thị sầm uất trên bến dưới thuyền và bắt đầu xuất hiện nhiều băng nhóm. Hiện tượng này được mô tả khá đầy đủ trong tác phẩm Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng. Đến thời mở cửa, HP trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động buôn lậu và tội phạm. Mặt khác, cũng do tính cách nói trên của người HP nên các băng nhóm, “dân anh chị” HP cũng nổi bật hơn so với các địa phương khác về tính dữ dằn, hung tợn, manh động… Đặc biệt, với sự xuất hiện của các băng nhóm, “tay anh chị” như Dung “hà”, Cu Nên, Lâm “già”… đã khiến người ta nói đến HP là nói đến “giang hồ đất cảng”. Tính tích cực trong tính cách người HP là dám làm, dám đương đầu. Cái này từng thể hiện rõ ở thời kỳ bao cấp, HP là một trong những địa phương đầu tiên làm “khoán chui”, mở đường cho khoán 10 sau này. Tuy nhiên, tính cách mạnh mẽ, bạo liệt của người HP cũng có hạn chế vì rất dễ làm chuyện sốc nổi, mang tính nhất thời mà không nghĩ đến hiệu quả bền vững. Nếu gặp môi trường tốt, mặt tích cực sẽ dễ được phát huy, bằng ngược lại, tính cách trên dễ khiến con người ta làm liều, hay sĩ diện hão như người ta hay nói về người HP là “thà làm cướp chứ không làm ăn mày”. Theo tôi, hiện tượng giang hồ, băng nhóm tại HP một phần do ảnh hưởng từ tính cách trên. Sau Dung “hà”, Cu Nên, Lâm “già”…, HP không xuất hiện những băng nhóm lớn nữa do các điều kiện xã hội đã thay đổi. Tuy nhiên, cái tiếng giang hồ đất Cảng vẫn đeo theo và ảnh hưởng đến lớp trẻ HP hiện nay. Mặt khác, nhiều băng nhóm gây án, hoạt động tội phạm ở các địa phương khác cũng bị gán cho cái nhãn là giang hồ đất cảng dù trong băng nhóm ấy chỉ có một, hai người HP. Truyền thông đưa tin sai lệch như thế cũng khiến nhiều thanh niên HP tôn nó thành một giá trị sống để đeo đuổi. Giống như muốn “nảy số” thì nhất định phải đâm chém, nhìn không hợp mắt là phải xử. Cái tính sĩ diện hão, chạy theo giá trị ảo rằng dân HP thì phải là “anh chị”… đã khiến HP nhiều năm qua luôn xuất hiện những băng nhóm nhỏ, gây tác động tiêu cực đến xã hội. Vì vậy theo tôi, gia đình, nhà trường và các tổ chức, trong đó có truyền thông, phải đặc biệt coi trọng việc giáo dục, định hướng cho giới trẻ. Các biện pháp về trị an, trật tự xã hội cũng phải siết chặt, tỏ rõ tính răn đe, ngăn ngừa hành vi phạm tội… Ông NGUYỄN NGỌC THAO, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp TRỌNG PHÚ ghi |