Bức tượng chưa đặt tên tại Công viên Tao Đàn là ai?

(PLO)- Bức tượng chưa được đặt tên tại công viên Tao Đàn khiến người dân cũng như du khách đến đây không khỏi thắc mắc. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM) được xem là địa điểm nổi tiếng không chỉ mệnh danh "lá phổi xanh của thành phố" với không gian phủ đầy cây cối tươi mát tại khu vực trung tâm.

Đây còn là nơi để người dân chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Qua đó, người dân được hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của thành phố, của đất nước mình.

Thời gian gần đây, nhiều người dân khi ghé tham quan tại công viên Tao Đàn, đứng trước một bức tượng chưa được đặt tên, đã gợi lên trong đầu không ít thắc mắc, đây là ai?

Bức tượng chính là chân dung của “vị cha già của dân tộc” Ấn Độ - Mahatma Gandhi. Ảnh: THIỆN HỢP

Bức tượng chính là chân dung của “vị cha già của dân tộc” Ấn Độ - Mahatma Gandhi. Ảnh: THIỆN HỢP

Theo Ban Quản lý công viên Tao Đàn, bức tượng chính là chân dung của “vị cha già của dân tộc” Ấn Độ - Mahatma Gandhi. Bức tượng được đặt tại nơi đây là minh chứng về tình hữu nghị được hình thành từ mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu đời và được các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam - Ấn Độ dày công vun đắp hơn 2000 năm qua.

Dự kiến, tượng sẽ khánh thành vào ngày 18-5 tới đây.

Được biết, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (ngày 6-1-2022), lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo chủ trương xây dựng và khánh thành tượng cố lãnh tụ Mahatma Gandhi tại công viên Tao Đàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trong chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ vào tháng 6-2022, chia sẻ, tượng lãnh tụ Mahatma Gandhi đặt tại công viên Tao Đàn không những vinh danh các vị Anh hùng vĩ đại của hai nước mà còn là biểu tượng văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.

Tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 73 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26-1-1950 - 26-1-2023), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng cho biết bức tượng vĩ nhân Mahatma Gandhi được đặt tại nơi đây là minh chứng về tình hữu nghị được hình thành từ mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu đời và được các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam - Ấn Độ dày công vun đắp hơn 2000 năm qua.

Mahatma Gandhi (1869 -1948) là nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ. Tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi.

Từ cuối năm 1910, Gandhi là một trong những người tiên phong “mở” đường lật đổ ách thống trị của thực dân dân Anh. Gandhi và những người ủng hộ ông đã phát động nhiều cuộc biểu tình vào những năm 1930, 1940 với triết lý đấu tranh “Bất bạo động”.

Gandhi phải chịu tù đày không ít lần cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, trong đó nổi bật nhất là hành trình đi bộ liên quan tới muối kéo dài 24 ngày, tháng 3-1930.

Ngày 30-1-1948, Gandhi bị sát hại ở New Delhi bởi một tay súng người Hindu cực đoan phản đối quan điểm đoàn kết giữa người Hồi giáo với người Hindu do Gandhi đề xướng.

Nhân dân Ấn Độ gọi ông bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Tâm hồn vĩ đại Gandhi), hay "the Father of the Nation" (Cha già dân tộc).

Phong cách sống của ông cũng đã truyền cảm hứng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi và những người khác có thể là những người cách mạng, nhưng chúng tôi đều là môn đồ của Mahatma Gandhi, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hơn hay ít hơn”.

Ông là tượng đài vĩ đại của người dân Ấn Độ, được mọi người tôn kính gọi là Mahatma (Linh hồn vĩ đại), danh hiệu này trở nên phổ biến hơn tên gọi thật của ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ngày 15-6-2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày sinh của ông (2-10) hàng năm là Ngày Quốc tế Bất bạo động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm