Chỉ tay về phía hàng rào sắt trước mặt, Anh Tuấn lắc đầu ngao ngán kể chuyện. Không chỉ riêng Tuấn Anh mà rất nhiều người làm vườn, buôn bán mai trên bến Bình Đông (Quận 8) cũng từng trải qua những câu chuyện như thế.
Bưng mai té lộn cổ
Tuấn năm nay 23 tuổi, nhà em ở Bình Chánh, em theo anh ba lên Thành phố HCM bán mai kiếm tiền tiêu tết. Người Tuấn đô con nên ngoài thời gian bán hàng, em phụ anh Ba bưng chậu cây kiểng lên bờ cho khách ngắm.
Anh Tuấn (phải) đang tư vấn cho khách. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Cái hàng rào Tuấn kể chuyện là hàng rào sắt cao tầm 1,2m chạy gần hết bến Bình Đông. Từ ghe thuyền đến hàng rào cách nhau tầm gần 1,5m. Những người dưới ghe dùng tấm ván chắc, bề ngang tầm 20cm, bắc từ ghe lên hàng rào tạo thành cầu để những chậu cây nặng được dịch chuyển từ từ lên. Kế đó, một, hai người sẽ đừng sẵn ở bên hàng rào bưng chậu cây kiểng lên bờ cho khách xem.
Tuấn nhớ, hàng rào được lắp từ khoảng 3 năm trước. Mới hôm 23 Tháng Chạp, em bưng chậu mai lên từ thuyền lên bờ, lúc bưng qua hàng rào cao, chậu mai nặng em trật chân rơi tõm xuống nước. “Em té cắm đầu xuống dưới, sình non thúi hoắc. May có bà con gần đây thương cho vào tắm nhờ!”, Tuấn kể chuyện.
Anh Nguyễn Việt Vương, anh ba của Tuấn thở dài gia đình anh bán ở đây được 6 năm rồi từ hồi những hàng rào chưa xây dựng. Anh bảo: thuyền ngày xưa còn để bày bán hàng, khách xuống tận thuyền xem thoải mái giờ thuyền chỉ để tượng trưng vậy thôi.
“Mình leo qua hàng rào xuống được, chứ phụ nữ, trẻ em muốn xuống thì chịu. Mình cũng biết buôn mai chỉ mấy ngày cận Tết còn người dân sống đây quanh năm suốt tháng, người ta làm hàng rào là có lý do, sợ trẻ con té.... Nhưng bưng mai lên, qua được cái hàng rào cực lắm, chồm lên không khéo té hụt là chết luôn. Đó như thằng Mập (Tuấn) hôm rồi té cắm đầu xuống bùn đó. Khách muốn cũng không thể xuống xem mai rồi lựa thoải mái như hồi trước nữa, leo đâu được đâu. Bán hồi trước chạy vì khách xuống xem, tự lựa cây nào ưng thì lấy, trên bờ có xíu, để đâu được hết. Có năm về đến nhà thì giao thừa qua rồi”.
“Ngày trước một mình tôi chuyển mai cũng được”
ÔngThường (áo xanh) nhọc nhằn bưng từng chậu cây qua hàng rào lên bờ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhọc nhằn bưng từng chậu quất từ hai người bạn dưới thuyền chuyển qua hàng rào, ông Trương Văn Thường kể chuyện: “Từ hồi có cái hàng rào cực lắm!”. Năm nay ông đã 55 tuổi rồi.
Chỉ về những dãy chậu quất vừa bưng xuống, ông bảo mấy năm trước hồi chưa có cái hàng rào, một mình ông tự làm tất. “Chỉ cần bắc cái cầu chắc chắc rồi tôi từ đó đi lên bưng chậu cây lên, không phải chuyển hay nhờ ai hết. Từ hồi có nó (hàng rào) phải có người đứng bên này, người đứng bên kia đỡ”.
Chỉ vào những thanh tre được buộc chắc chắn với những song sắt hàng rào tạo thành những bậc tam cấp ông bảo rào cao nên phải làm vậy để bước qua.
Anh Vương và ông Thường đều mong chính quyền mở hàng rào làm cái khóa, giống như cánh cửa. Bình thường thì khóa lại nhưng đến ngày Tết thì mở ra để những người làm vườn vận chuyển mai, quất lên cho dễ.
“Người ta bán những chậu kiểng nhỏ thì không ảnh hưởng mấy, họ tự bưng bê được, chứ những chậu mai bự vầy bưng không khéo là lật té ngửa. Năm nay, nhà mình bị rớt hai chậu cây xuống bến rồi!”, anh Vương rầu rầu.
“Hồi trước được xuống tận thuyền mua mai” Chị Hai đứng tần ngần trước chậu mai khá lâu, dùng dằng mãi cuối cùng quyết định không mua. Chị kể chuyện: “Mai trên này toàn búp nhỏ thích nhưng tôi chưa ưng lắm, tôi muốn xem cây có dáng đẹp hơn xíu. Nhưng xuống thuyền thì không xuống được, người ta hỏi muốn lựa dáng như nào, rồi bảo có muốn xem tiếp hông để bưng lên mà thôi, lỡ không lấy bưng lên tội người ta. Khoảng 4,5 năm trước mua hàng được xuống tận thuyền ghe xem, thoải mái lựa, không mất nhiều thời gian như bây giờ”, chị Hai kể chuyện. |
Dưới đây là một số hình ảnh:
Nhọc nhằn bưng từng chậu cây từ thuyền lên bờ ở bến Bình Đông. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tấm ván bắc cầu đưa chậu cây từ ghe lên hàng rào rồi lên bờ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Anh Nguyễn Việt Vương: "Từ hồi có cái hàng rào cực lắm". Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Hàng rào cách thuyền tầm 1,5m. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Những thanh tre được buộc chắc chắn với những song sắt hàng rào tạo thành những bậc tam cấp để lên xuống. Ảnh: NGUYỄN TRÀ