Bước chuyển mạnh mẽ của cải cách tư pháp

Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) được triển khai từ những năm 2005 và đến nay đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Dưới đây là những nhận xét, đánh giá về thành quả CCTP của những người trong cuộc.

TS-luật sư (LS) PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam:

Cải cách tư pháp đã thật sự đi vào đời sống

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có những đánh giá quan trọng về thực hiện chủ trương CCTP, trong đó chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp có nhiều tiến bộ.

Thành quả đó được đúc kết trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về CCTP. Chủ trương CCTP của Đảng đã thật sự đi vào đời sống, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Hoạt động tư pháp đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Hình ảnh của các LS lăn xả, đấu tranh bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã trở thành điểm nhấn những năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay cơ chế bảo đảm tính phản biện trong hoạt động tố tụng chưa được hoàn thiện, có thể làm ảnh hưởng tính độc lập, khả năng tiếp cận công lý của người dân, tổ chức. Nhận thức của một số cơ quan nhà nước, cơ quan và người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của LS còn hạn chế...

Mỗi vụ việc oan, sai, những hạn chế, vi phạm trong hoạt động tư pháp có thể làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào công lý, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Mục tiêu của nền tư pháp suy cho cùng là đảm bảo sự công bằng, dân chủ, nghiêm minh, một nền tư pháp phục vụ nhân dân, mang đậm tính nhân dân.

Mặt khác, việc tuân thủ và đảm bảo thực thi trên thực tế các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử cần được đảm bảo. Phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa...

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm đại án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông NGUYỄN CÔNG PHÚ, nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM:

Cần quan tâm, đãi ngộ thẩm phán hơn nữa

Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án, trung tâm của chiến lược CCTP, đã có nhiều nỗ lực và kết quả đạt được tích cực, đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược CCTP trong thời gian qua cũng còn có mặt hạn chế. TAND Tối cao đã có những cố gắng nhằm giảm thiểu số lượng án oan, sai nhưng thực tế vẫn còn một số bản án kết tội oan người vô tội hoặc cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định. Cạnh đó, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ không thuyết phục trong các vụ án hình sự khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về sự công minh của tòa án.

Trong lĩnh vực xét xử án dân sự, nhiều vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần do quan điểm xét xử của các cấp tòa án khác nhau. Trong đó có những trường hợp quan điểm của tòa án cấp phúc thẩm, thậm chí của tòa án cấp giám đốc thẩm không thuyết phục. Có trường hợp Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải hủy cả quyết định giám đốc thẩm hoặc bản án phúc thẩm của tòa án cấp dưới. Trong lĩnh vực xét xử án hành chính, phần lớn lãnh đạo các cơ quan chính quyền là người bị kiện không đến dự phiên tòa, gây nhiều khó khăn cho hoạt động xét xử của tòa án…

Nếu như tòa án là trung tâm của chiến lược CCTP thì thẩm phán chính là trung tâm của hệ thống tòa án. Do đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến biện pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ thẩm phán và nhất là biện pháp giám sát hoạt động xét xử của thẩm phán.

Mặt khác, muốn tuyển chọn được thẩm phán có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, tạo sự yên tâm công tác cho họ thì phải quan tâm đến vấn đề đãi ngộ. Hiện nay, thang, bậc lương của ngạch thẩm phán các cấp cũng không có sự chênh lệch so với ngạch chuyên viên hành chính các cấp. Thẩm phán Việt Nam hầu như không có chế độ đãi ngộ nào đáng kể (như thẩm phán một số nước) so với các ngạch công chức khác…

ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng:

Cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực

Thời gian gần đây, những vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đã giảm nhiều so với trước đây, công cuộc CCTP đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo thống kê từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng thì hiện tượng sai phạm trong các khâu của hoạt động tư pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp hình sự vẫn còn tiềm ẩn những việc sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý, giải quyết những vụ việc trước đây mà bây giờ mới phát hiện có sai phạm thì vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra của công cuộc CCTP.

Chúng ta đang phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do dân và vì dân. Thượng tôn pháp luật là yêu cầu hàng đầu và xuyên suốt trong tư tưởng của Đảng và Bác Hồ mà ở đó tính tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp, công chức tư pháp, của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải được đặt lên hàng đầu và là yêu cầu bắt buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm