Tại ĐHCĐ thường niên 2017 vừa tổ chức sáng nay, ông Lê Văn Quyết, TGĐ ngân hàng Eximbank cho biết: “Thưc chất việc Eximbank thoái vốn khỏi Sacombank đã được tiến hành từ thời điểm cách đây 3 tháng, ngay sau khi NHNN phê duyệt kế hoạch bán lại phần vốn này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán với một số đối tác không thành công”.
Hiện Eximbank đang sở hữu hơn 165 triệu cổ phần Sacombank, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank.
Cũng theo ông Quyết, việc thoái vốn nhanh hay chậm không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Eximbank mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. “Hơn nữa, bán một lô lớn đâu có dễ, nếu Sacombank không thuận lợi trong việc tái cấu trúc thì việc thoái vốn cũng sẽ khó khăn”, ông Quyết cho biết.
Cũng tại đại hội, tờ trình đòi lại thù lao được nêu trước đó đã được rút lại. Trước đó trong tài liệu công bố trước đại hội, Eximbank cho biết trong ba năm liên tục từ 2013 đến 2015 thù lao chi trả cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát đã vượt khoảng hơn 80 tỷ đồng so với kế hoạch được duyệt.
Do vậy Hội đồng quản trị Eximbank hiện tại sẽ yêu cầu các lãnh đạo nhiệm kỳ trước phải nộp lại. Sau khi tính toán dựa trên các yếu tố khách quan và chủ quan, ban lãnh đạo hiện tại đưa ra con số chi vượt mà HĐQT và BKS phải nộp lại là gần 52 tỷ đồng.
Tuy nhiên, NHNN không chấp thuận và yêu cầu phải nộp lại đầy đủ. Chính vì vậy, trong ĐHCĐ lần này, ban tổ chức đã không trình nội dung này.
Ông Quyết cho biết: Kết luận của cơ quan thanh tra đã xác định là khoản chi nói trên đã vượt so với qui định và yêu cầu thu hồi toàn bộ.
Đại diện cổ đông cho biết: Việc chi sai qui định thì phải thu hồi và bồi hoàn là điều đương nhiên. Tuy nhiên, thực hiện việc thu hồi số tiền bội chi này nó liên quan đến lòng tự trọng nhiều hơn là giá trị vật chất”.
Do tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu và kết quả kinh doanh chưa đạt chưa tốt, Eximbank đã trình cổ đông không chia cổ tức cả trong năm 2015 và năm 2016. Nhiều cổ đông đã bày tỏ bức xúc vì cho rằng ngân hàng đã "bỏ quên" quyền lợi cổ đông suốt 3-4 năm nay là điều mà khó có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ HD Bank, các cổ đông đã thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 7%. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ của HDBank, đáp ứng yêu cầu của NHNN về nâng cao năng lực cạnh tranh tài chính của các NHTM, đảm bảo tốt các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Liên quan đến việc thời điểm để đưa HD Bank niêm yết trên sàn chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực cho biết: "HDBank đã đáp ứng đủ chuẩn để được niêm yết tại HOSE, nếu muốn chỉ cần 2 tuần là xong thủ tục nhưng vấn đề là lựa chọn thời điểm thích hợp để giá cổ phiếu khi trên sàn phản ánh đúng giá trị ngân hàng".