Theo dự thảo, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Đối tượng áp dụng bao gồm người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Trước đó, tại quy định về số tiền bảo hiểm tối đa tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24-8-2005 sửa đổi, bổ sung, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp tối đa là 30 triệu đồng, sau đó tăng lên tối đa 50 triệu đồng và áp dụng cho đến nay.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: “Quy định hiện hành, chỉ chi trả bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng cho mọi đối tượng, mọi mức tiền gửi là quá nhỏ, bởi hiện nay ở nhiều nước châu Âu mức bảo hiểm là 50.000 euro, ở Hàn Quốc cũng là 200.000 USD...”.
Trong báo cáo về kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến cuối tháng 5-2016 đạt 30.680 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2015.
Trong 16 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc…