Chính quyền Catalonia hôm 10-10 đơn phương ký bản tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng hoãn thi hành trong vài tuần để mở đường cho cuộc đối thoại với chính phủ.
Tạm hoãn ly khai
Phát ngôn viên của chính quyền Catalonia ngày 11-10 tuyên bố nếu chính phủ Tây Ban Nha can thiệp vào quyền tự trị của khu vực này đồng nghĩa chính phủ chưa sẵn sàng đối thoại. Khi đó Catalonia sẽ buộc phải tiếp tục đẩy mạnh các cam kết độc lập của mình.
Bản tuyên bố độc lập đơn phương này được Thủ hiến Carles Puigdemont và các chính khách của khu vực ký tại nghị viện Catalonia hôm 10-10. Theo AFP, trong bản tuyên bố độc lập, Thủ hiến Puigdemont kêu gọi “tất cả quốc gia, các tổ chức quốc tế công nhận nhà nước Cộng hòa Catalonia là một quốc gia độc lập có chủ quyền”, đồng thời kêu gọi chính quyền Catalonia thực thi tất cả biện pháp cần thiết để bản tuyên bố này trở thành hiện thực và có hiệu lực hoàn toàn. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của bản tuyên bố này của Catalonia vẫn chưa rõ ràng.
Một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) nhận định Thủ hiến Puigdemont “dường như đã lắng nghe lời khuyên để không làm những việc không thể rút lại được”. Trước đó, hôm 1-10, chính quyền Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha, mặc cho chính phủ Tây Ban Nha phản đối kịch liệt và coi cuộc trưng cầu này là hành động vi hiến.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập tại nghị viện Catalonia ở Barcelona ngày 10-10. Ảnh: REUTERS
Vẫn còn đường đàm phán
Cùng với tuyên bố “toàn vẹn chủ quyền” của Catalonia, lãnh đạo khu vực này kêu gọi chính phủ ngồi vào bàn đàm phán. “Chúng tôi không phải là tội phạm, không điên cuồng, cũng không âm mưu đảo chính. Chúng tôi chỉ là những người bình thường yêu cầu được quyền bỏ phiếu và đã sẵn sàng cho tất cả cuộc đối thoại cần thiết để đạt được điều này một cách nhất trí” - ông Puigdemont tuyên bố.
Tuy nhiên, ngay sau đó chính phủ Tây Ban Nha lên tiếng không công nhận bản tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi đàm phán thông qua trung gian quốc tế của Thủ hiến Puigdemont. “Không ai, kể cả Thủ hiến Puigdemont, có thể đề xuất một cuộc đối thoại mà không tuân theo luật pháp” - Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nhấn mạnh. Bà chỉ trích ông Puigdemont là “một người không biết mình đang ở đâu”.
Thủ tướng Mariano Rajoy chiều 11-10 đã tổ chức phiên họp nội các khẩn cấp để thảo luận các bước tiếp theo sau bản tuyên bố độc lập của Catalonia, nhấn mạnh mọi biện pháp đều sẽ được đem ra cân nhắc. Giới chức Tây Ban Nha cũng cho biết vẫn còn khả năng cho những cuộc đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán này sẽ được tổ chức “trong khuôn khổ luật pháp”, hàm ý các tuyên bố độc lập của Catalonia sẽ không được mang ra để mặc cả.
Catalonia đòi ly khai, Pháp sục sôi Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau hồi cuối tuần trước lên tiếng khẳng định Pháp sẽ không công nhận việc Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha. “Nếu họ tuyên bố độc lập thì đó là một tuyên bố đơn phương và sẽ không được công nhận” - bà Loiseau cảnh báo hậu quả đầu tiên mà Catalonia sau ly khai phải chịu là “tự động rời khỏi EU”. Theo tờ Foreign Policy, phản ứng cứng rắn của Pháp là động thái dễ hiểu, bởi những ngọn lửa ly khai cũng đang nhen nhóm tại đây. Phe dân túy ở hai khu vực đảo Corse và Brittany của Pháp những năm qua vẫn đòi tách khỏi Pháp. Sau cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia, lãnh đạo phe dân túy ở hai khu vực này cũng bắt đầu kêu gọi ly khai và thành lập chủ quyền riêng. “Trong khoảng 10 năm tới, nếu Corse ổn định về kinh tế, chúng ta cũng có thể giống như Catalonia hôm nay” - Jean-Guy Talamoni, Chủ tịch Hội đồng đảo Corse, tuyên bố. ____________________________ Chúng tôi sẽ không cho phép một phần nhỏ của Catalonia quyết định thay toàn bộ đất nước Tây Ban Nha. Ông ALFONSO DASTIS, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, chỉ trích phong trào đòi độc lập tại Catalonia |