Những kỷ niệm vui buồn của một giai đoạn trong cuộc đời - hoặc có khi cả đời người - gắn liền với một con ngõ nhỏ, một xóm nhỏ. Ngay giữa trung tâm Sài Gòn bây giờ vẫn còn những tên đường, tên chợ mang tên những vườn cây, những bờ lau lách nhắc nhớ tới một thời đã xa. Chợ Vườn Chuối, đường Vườn Chuối… giữa trung tâm quận 3 bây giờ tìm đâu ra cây chuối? Ngay gần Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phía sau chùa Vĩnh Nghiêm là xóm Lách xưa, giờ còn đâu những bờ lau lách? Cả những xóm Chiếu ở quận 4, xóm Củi, xóm Chỉ - quận 8... giờ chỉ còn các tên đường, tên chợ gắn với tên xóm, tên làng nghề ngày xưa... Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với các xóm nhỏ là xóm Lách - quận 3, xóm Gà - Bình Thạnh. Những xóm nhỏ, ngõ nhỏ đầy ắp kỷ niệm vui buồn của một thời chưa xa lắm...
Xóm Lách nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như con rắn dài cả hơn cây số dọc theo kênh Thị Nghè, phần lớn dân cư là lao động nghèo, ngày trước lau lách um tùm dọc bên bờ kênh. “Con rắn” có hai “đầu” là hai đầu hẻm, một bên thò ra đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ), một bên ngoặt trái ra đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay). Gần đầu hẻm chia hai nhánh ra hai đường lớn có cái chợ nhỏ không tên nhưng bán đầy đủ thực phẩm, rau hoa củ quả không thiếu gì. Ở lưng chừng hẻm xóm Lách có ngôi nhà thờ nhỏ cũng mang tên Xóm Lách nhưng sau ngày TP cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một đoạn dài con hẻm thành mặt tiền đường Hoàng Sa, nhà thờ Xóm Lách được xây dựng lại rất khang trang. Xóm Lách bây giờ nhà cửa hầu hết được xây dựng mới hay cải tạo sạch đẹp.
Tuy không ở xóm Lách nhưng với tôi, xóm Lách đầy ắp kỷ niệm. Tôi có bà mẹ nuôi nhà ở xóm Lách. Trước năm 1975 bà bán cơm tấm và nấu cơm tháng cho đám sinh viên miền Trung, trong đó có tôi mà bà nhận làm con nuôi. Sau năm 1975, bà dời về Bình Thạnh, gần ngã tư xóm Gà. Tôi cũng đưa vợ và con về ở với bà một thời gian ngắn vì nhà là của một người em đi kinh tế mới nhờ bà giữ hộ. Mẹ nuôi tôi lại tiếp tục bán cơm tấm sáng nuôi cả nhà. Vài năm sau mẹ nuôi tôi đau yếu nghỉ bán, về lại xóm Lách. Thời gian này tôi cũng đã qua cơn khó khăn, mỗi cuối tuần thường chở vợ con sang thăm bà. Mẹ nuôi tôi mất tại căn nhà nhỏ phía sau nhà thờ Xóm Lách mà tôi không có mặt lúc bà lâm chung, nên mỗi lần đi ngang qua đây lòng tôi lại bùi ngùi. Sau này thỉnh thoảng tôi lại chạy xe ngang nhà cũ của mẹ nuôi tôi - bây giờ chủ khác đã sửa sang khang trang, đẹp đẽ - nhưng tôi vẫn nhớ ngôi nhà nhỏ cũ kỹ ngày xưa những đêm xóm Lách mịt mùng với ánh điện vàng vọt hắt hiu.
Ngã tư xóm Gà xưa giờ là góc Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trân.
Có khi tôi lại chạy qua xóm Gà, nơi một thời khó khăn nhất gia đình tôi sống tá túc với bà mẹ nuôi bán cơm tấm. Và có lẽ hiện nay ở TP.HCM chỉ còn xóm Gà là giữ được cái “đặc trưng” liên quan tới tên gọi: Những con hẻm nhỏ ngang dọc gần ngã tư xóm Gà (góc đường Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu) vẫn còn rất nhiều người nuôi gà đá. Nếu ai có dịp đến xóm Gà, lạc vào mấy con hẻm gần chùa Vạn Đức, chùa Dược Sư, chùa Liên Ứng... sẽ thấy những chuồng nhốt gà đá di động dọc các con hẻm.Trưa trưa, tiếng gà gáy râm ran suốt từ xóm trên lan qua xóm dưới! Đúng là con gà tức nhau tiếng gáy, cứ một con gáy là cả xóm trên ngõ dưới đều vang tiếng gà gáy đinh tai nhức óc. Nhưng một người bạn tôi ở xóm Gà bảo thỉnh thoảng mình đi đâu ít lâu lại rất nhớ tiếng gà gáy. Nó như âm vang gợi nhớ bao điều! Thi sĩ Bùi Giáng mấy năm cuối đời ở nhà người cháu đối diện chùa Liên Ứng gần xóm Gà, không biết khi nằm bệnh, nghe tiếng gà trưa não nuột, ông có nhớ về vùng Quế Sơn, Quảng Nam quê ông?...