Đánh vào tâm lý của một số người dân mong muốn may mắn, tài lộc…, hàng loạt trang mạng xã hội rao bán bùa ngải nhằm đem lại vận may đổi đời. Trước những lời quảng cáo mê hoặc, nhiều người nhẹ dạ cả tin đã chi hàng triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng để sở hữu những tấm bùa được quảng cáo như có khả năng mang lại may mắn, tài lộc và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
“Không linh không bán!”
Không khó để tìm kiếm các bài đăng liên quan đến đồ tâm linh trên mạng xã hội như Facebook, TikTok. Chỉ cần gõ tìm kiếm “bùa yêu”, “bùa may mắn”, “búp bê Kumanthong”… lập tức xuất hiện hàng loạt bài đăng với nhiều ngôn từ hấp dẫn khiến người xem bị mê hoặc. Đáng nói là hoạt động này diễn ra công khai với những lời khẳng định chắc nịch của người bán: “Không linh không bán, không hiếm không bán, không rẻ cũng không bán”.
Trên TikTok, PV tiếp cận một tài khoản có tên MDTA sở hữu hơn 100.000 lượt theo dõi, tài khoản này chia sẻ hàng chục video giới thiệu sản phẩm, công dụng và cam kết đổi vận cho người mua. Cụ thể, tài khoản này kinh doanh các sản phẩm như búp bê Kumanthong, ví tiền tụ tài, hồ ly nam, hồ ly cục bông, bùa bướm, thần rắn...
Theo lời quảng cáo trong một clip của chủ tài khoản này: “Những sản phẩm búp bê bên mình đã có linh hồn sẵn, chủ yếu đến từ Thái Lan, đã được các thầy dạy dỗ tử tế, sẽ độ trợ cho gia chủ về tiền bạc, gia đạo. Tùy vào điều kiện của khách hàng sẽ có nhiều mức giá khác nhau, hỗ trợ trả góp và được hướng dẫn trong suốt quá trình thờ cúng. Đồng thời sẽ được thu hồi nếu không có nhu cầu sử dụng và cam kết không ảnh hưởng đến vận hạn sau này của gia chủ”.
Trong vai người mua hàng, PV chủ động liên hệ với tài khoản trên. Sau khi trình bày về mong muốn của bản thân, được người này giới thiệu vào một nhóm chat chuyên cập nhật hàng tâm linh mỗi ngày, chủ tài khoản giới thiệu cho PV một loại bùa có trong hình dạng một pho tượng hồ ly nam “độ trợ mọi mặt” với mức giá thấp nhất là 15 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng.
Đáng nói là sau những video quảng cáo của chủ tài khoản trên, rất nhiều người tin là những bùa chú này hiệu nghiệm.
Tài khoản TikTok KCC bình luận: “Có món gì nhỏ gọn mang đi được không? Giúp buôn bán đắt, khách hàng vô nhiều nhiều”.
Tương tự, tài khoản TikTok SNMT bình luận: “Năm nay em xui quá, có món gì mình chỉ cần đem theo, không cần thờ cúng hoặc là đọc câu chú không ạ?”.
Sau đó, PV tiếp tục tìm kiếm trên Facebook, một tài khoản tên VF rao bán búp bê “tiểu quỷ khỉ” và đồ tâm linh với nội dung: “Được bậc thầy chuyên về dòng phép rừng cổ xưa tạo ra và luyện được năm năm. Trước khi đến tay người dùng sẽ luyện thêm bảy ngày bảy đêm giúp linh hồn bé khỉ được thức tỉnh hoàn toàn trong búp bê”.
Bài viết trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tài khoản Facebook TTM bình luận: “Buôn thần bán thánh, lừa đảo tâm linh người dân, đầu năm mới là nhiều bài viết tương tự này nổi trên Facebook, không biết tại sao Facebook vẫn cho quảng cáo những thứ này? Nhiều đối tượng đánh vào tâm lý của người dân mong muốn tiền bạc dồi dào, may mắn… Mong mọi người đừng rơi vào “bẫy” tâm linh này”.
Cần chế tài răn đe mạnh hơn
Trao đổi với PV, ThS tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên khoa Xã hội và nhân văn Trường ĐH Văn Lang, cho biết việc rao bán đồ tâm linh, búp bê Thái Lan, búp bê khỉ… không phải là vấn đề mới. Thực tế hằng ngày nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân (chủ yếu là giới trẻ) vẫn có và việc rao bán này vẫn âm thầm diễn ra trong các hội nhóm.
“Tâm linh là một truyền thống và nét văn hóa lâu đời của người Việt nên không hẳn là phải bài trừ hoàn toàn. Ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn có tác dụng thúc đẩy con người trở nên hướng thiện, lạc quan và tích cực. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ đâu là tâm linh tích cực và đâu là tâm linh tiêu cực.
Như đã nói, mọi nỗ lực của chúng ta sẽ luôn đạt được những thành quả xứng đáng. Thay vì giao phó tương lai, cuộc đời cho một thế lực thần thánh dị đoan thì hãy hành động bằng những việc làm cụ thể như trang bị kiến thức, kỹ năng thật tốt. Ngoài ra, cộng đồng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ về những dịch vụ, hành động mê tín dị đoan” - ThS Lưu nói.
Trao đổi với PV, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các vấn đề về tâm linh để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền 15-20 triệu đồng.
Theo luật sư Liên, để ngăn chặn tình trạng trên, kiến nghị Bộ TT&TT cần yêu cầu các nền tảng như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm và phối hợp cùng các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.
Cần chế tài răn đe mạnh hơn trên nền tảng số
Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định để bổ sung các quy định về quản lý, chế tài răn đe, thống nhất về thẩm quyền xử lý, phạm vi xử lý với Luật An ninh mạng. Từ đó có điều chỉnh phù hợp, ngăn chặn hoạt động, hành vi cổ súy mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng “buôn thần bán thánh” trên mạng xã hội.
Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM