Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về tình trạng lừa đảo cuối năm tăng cao. Vẫn là các chiêu trò cũ như việc nhẹ lương cao, đầu tư sinh lời… nhưng các đối tượng lừa đảo tăng tần suất đăng thông tin trên các trang mạng xã hội. Chủ yếu đánh vào tâm lý muốn tìm thêm thu nhập dịp Tết của một số người để lừa đảo. Đã có người mất từ vài triệu đến hàng tỉ đồng.
Mất tiền vì nhẹ dạ cả tin
Chị TTT (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết vào tháng 11-2023, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Tuấn Dũng, có ảnh đại diện là ảnh có ngoại hình sáng láng, thường hay đăng tải bài viết có nội dung sang chảnh đã tiếp cận và kết bạn với chị T.
Người này giới thiệu bản thân đang làm việc cho một công ty chứng khoán tại Mỹ nên biết nhiều cách đầu tư kiếm lời.
Để chứng minh, người này đã gửi cho chị T xem ảnh chụp màn hình những lần chuyển khoản đầu tư và có lãi. Người này sau đó cũng gửi cho chị T một đường link của một trang web về đầu tư tài chính và cung cấp cho chị tài khoản để đăng nhập vào và nói đó là tài khoản của anh ta. Khi đăng nhập vào, chị thấy trong tài khoản có đến vài tỉ đồng tiền đầu tư và khoảng 1 tỉ tiền lãi. Thấy dễ dàng kiếm tiền, chị đã nghe theo hướng dẫn và chuyển 130 triệu đồng để đầu tư. Sau khi chuyển tiền, lập tức tài khoản hiển thị cộng thêm 130 triệu đồng và cũng được sinh lãi ngay sau đó.
“Sau khi tôi rút ra 2 triệu đồng tiền lãi, anh ta lại tiếp tục kêu tôi đầu tư thêm 60 triệu đồng nữa. Thế nhưng sau đó tôi không thể rút được lãi, nhân viên chăm sóc khách hàng của trang web này tìm đủ lý do không cho tôi rút và bắt tôi phải nạp thêm tiền. Lúc này, tôi đã kể việc này với một người bạn. Người này ngay lập tức nói tôi không được chuyển tiền gì nữa vì đây là lừa đảo. Ngay sau đó tôi liên hệ với nhân viên của trang web này để xin rút vốn thì bị chặn hết mọi liên lạc” - chị T nói.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, qua bất kỳ hình thức nào, việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Anh BHT (ngụ quận Bình Tân) cũng cho biết anh vừa bị mất hơn 1 tỉ đồng vì tin lời của những đối tượng lừa đảo tuyển dụng với lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao”.
Theo đó, những ngày cuối năm anh T đã lên mạng tìm thêm việc làm online. Sau đó anh T nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên tài chính từ một tài khoản Facebook.
Theo đó, người này nói chỉ cần mỗi ngày anh T thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền là sẽ có tiền công. Thấy công việc cũng đơn giản, không mất nhiều công sức nên anh T đồng ý tham gia.
Cụ thể, anh T chỉ cần dùng tiền trong tài khoản của mình chuyển cho một tài khoản mà người này cung cấp. Sau khi chuyển, anh T sẽ nhận lại được số tiền gốc đã chuyển kèm theo tiền công.
“Ban đầu, tôi chuyển 280.000 đồng theo yêu cầu, lúc sau tôi nhận lại được 330.000 đồng. Số tiền ngày một nâng lên vài triệu đồng, tiền công tôi nhận được cũng tăng lên. Đến khi số tiền chuyển lên đến hàng trăm triệu đồng thì tôi không nhận được tiền công và tiền gốc đã chuyển. Họ báo do hệ thống bị lỗi nên phải chuyển thêm mới rút tiền được. Cứ thế, họ đưa ra nhiều lý do để tôi chuyển thêm tiền nhưng không chuyển lại như đã hứa. Tổng số tiền tôi đã vay mượn khắp nơi và chuyển cho họ là hơn 1 tỉ đồng” - anh T nói.
Công an cảnh báo nhiều lần
Mới đây, Công an TP.HCM đã có cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội. Cụ thể, đánh vào tâm lý nhiều người muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại, quảng cáo trên mạng xã hội… để mời chào nhiều người tham gia.
Các đối tượng này sẽ đăng thông tin tuyển dụng hấp dẫn, khi có người liên hệ, họ sẽ bị yêu cầu đóng các khoản phí như phí hồ sơ, đồng phục, tập huấn... Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng sẽ cắt liên lạc.
Hoặc các đối tượng sẽ giới thiệu, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để thực hiện nhiệm vụ, đơn hàng có giá trị thấp và sẽ được hoàn tiền, nhận hoa hồng, tiền công. Lúc đầu nạn nhân sẽ nhận lại được tiền và hoa hồng… đúng như cam kết.
Tuy nhiên, những lần sau các đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do để yêu cầu làm tiếp thêm nhiệm vụ với số tiền nhiều hơn, để lấy lại số tiền đã chuyển để làm nhiệm vụ trước đó, nếu không sẽ không được thanh toán bất kỳ khoản nào.
Với chiêu thức lừa đảo này, người dân cần cảnh giác trước các quảng cáo, chào mời việc nhẹ lương cao…
Đối với dạng lừa đảo đầu tư chứng khoán, Công an quận Bình Tân vừa qua cũng có thông tin khuyến cáo. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên công ty chứng khoán nhằm tiếp cận, mời chào người dân tham gia đầu tư chứng khoán.
Các đối tượng này sẽ hướng dẫn người dân truy cập vào các đường link hoặc cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động mà họ cung cấp.
Kèm theo đó, các đối tượng sẽ đưa tài khoản ngân hàng nhận tiền và hứa hẹn với người dân đầu tư có lãi suất cao.
Trong vài phiên giao dịch đầu tiên, các đối tượng lừa đảo tạo các giao dịch ảo trên các đường link và ứng dụng mà họ cung cấp từ trước khiến cho nạn nhân liên tục nhận lợi nhuận cao.
Đến khi nạn nhân muốn rút tiền, các đối tượng này sẽ đưa ra các lý do như sai nội dung, nộp các khoản thuế, phí để rút tiền... nhằm dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân chuyển thêm tiền.
Khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, chúng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tiền. Đồng thời sẽ chặn liên lạc với nạn nhân.
Trước chiêu trò lừa đảo này, người dân cần đề cao cảnh giác; không đăng nhập vào các đường link được gửi; nghiên cứu rõ các hoạt động đầu tư tài chính trước khi tham gia…
Cục An toàn thông tin khuyến cáo
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), từ ngày 22 đến 28-1, đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó có nhiều hình thức lừa đảo với chiêu thức cũ nhưng vẫn có người dân trở thành nạn nhân.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, qua bất kỳ hình thức nào, việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. PV