Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết từ 22-1 đến 28-1 đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, có nhiều hình thức lừa đảo với chiêu thức cũ nhưng vẫn có người dân trở thành nạn nhân.
Xuất hiện nhiều nhóm hội lừa đảo
Theo Cục An toàn thông tin, hiện nay trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với tên Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo, Lấy lại tiền bị lừa qua mạng… xuất hiện tràn lan cùng các trang web mang giao diện tương tự đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…
Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết.
Kẻ lừa đảo yêu cầu người dân gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung là các đối tượng đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.
Có thể thấy, hàng loạt những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.
Cục An toàn thông tin cho biết nhiều người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỉ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo: Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào, việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.
"Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó” - Cục An toàn thông tin lưu ý.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan
Cũng theo Cục An toàn thông tin, cùng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới... đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.
Cụ thể, ngày 22-1, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện và đồng loạt kiểm tra bốn địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do một đối tượng làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP.HCM; phát hiện nhiều tang vật, ước tính giá trị lên đến 14,5 tỉ đồng.
Tại cơ quan chức năng, đối tượng thừa nhận hành vi lừa đảo. Theo đó người này thuê một nhà xưởng ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP Dĩ An; thuê công nhân để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng từ Australia, New Zealand và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam.
Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, người này đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, trong vòng khoảng một tháng người này sẽ đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, cơ sở nêu trên sẵn sàng cho khách hàng hàng đồng kiểm bằng cách quét mã QR code trực tiếp trên các lon sữa khi nhận được, bởi khi khách hàng quét mã này sản phẩm vẫn trả ra kết quả ra là hàng chính hãng.
Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra để xác minh các hành vi vi phạm.
Tương tự với thủ đoạn trên, mới đây, một kẻ lừa đảo khác sử dụng hình thức mua bán hải sản trên mạng xã hội đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, kẻ này sử dụng nhiều các tài khoản Facebook và Zalo "ảo" để gửi lời mời kết bạn nhằm mục đích làm quen; gửi ảnh và cung cấp thông tin về bản thân rằng làm nghề buôn bán, đánh bắt thủy, hải sản, có nhiều đầu mối, nguồn cung cấp hải sản tươi sống, giá rẻ.
Đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Từ đó yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt...
Từ tháng 6 đến tháng 12-2023, kẻ này đã lừa đảo bảy người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chiếm đoạt trên 135,5 triệu đồng.