Lừa đảo cài đặt dịch vụ công giả, chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng

(PLO)- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán nội thất, đồ gia dụng qua mạng; lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng là những hình thức lừa đảo trực tuyến được cảnh báo tuần qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cục An toàn thông tin Bộ TT&TT, trong tuần từ 8-1 đến 14-1, tiếp tục xuất hiện các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

PLO gửi tới bạn đọc một số hình thức lừa đảo phổ biến.

Sập bẫy chiêu trò đóng thuế trúng thưởng

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai đang tạm giữ hình sự Nguyễn Lê Hoàng Thủy (31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, đối tượng lừa đảo có quen biết chị N.T.Q.A. (30 tuổi, quê Bình Thuận) thông qua một trò chơi game điện tử trên mạng xã hội và nảy sinh ý định lừa chị A. lấy tiền trả nợ.

lừa đảo
Nạn nhân đã chuyển khoản cho đối tượng trên số tiền 44,5 triệu đồng để nhờ mua 3 chiếc điện thoại di động. Ảnh: Cục ATTT

Trong quá trình trò chuyện khi chơi game, đối tượng tự xưng là nhân viên bán hàng của Thế giới di động ở TP.HCM, giới thiệu với nạn nhân nếu muốn mua điện thoại giá rẻ thì đối tượng sẽ hỗ trợ.

Nhẹ dạ cả tin, nạn nhân đã chuyển khoản cho đối tượng trên số tiền 44,5 triệu đồng để nhờ mua 3 chiếc điện thoại di động.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, đối tượng ngay lập tức rút tiền để trả nợ; khi chị A. hỏi về tình trạng “đơn hàng” thì đối tượng lấy lý do chưa có điện thoại giao.

Không dừng lại ở đó, đối tượng còn nói dối khi mua điện thoại cho chị A. rằng chị đã may mắn trúng thưởng hàng tỷ đồng và yêu cầu chị A. chuyển tiền đóng thuế 10% để nhận số tiền thưởng trên.

Để chị A. tin tưởng, Thủy chỉnh sửa số dư tài khoản rồi chụp hình gửi đối phương. Tin lời, chị A. nhiều lần chuyển khoản cho Thủy với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, vì mãi sau nạn nhân vẫn không nhận được số tiền nào, nghi ngờ bị lừa đảo, nạn nhân đã đến Công an phường Thanh Bình, TP Biên Hòa trình báo vụ việc.

Lừa đảo bán hàng qua mạng

Trong năm 2023, Phòng An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP Buôn Ma Thuật nhận được đơn trình báo của nhiều người về việc bị một đối tượng lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền cọc.

Mới đây, Công an TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã điều tra và thực hiện tạm giữ hình sự Trần Quốc Vũ (23 tuổi, ngụ xã Nâm N'Jang, H.Đắk Song, Đắk Nông) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán nội thất, gia dụng qua mạng.

mao-danh-lanh-dao-tinh-soc-tran-de-lua-dao-8.jpg
Nhiều người bị một đối tượng lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền cọc. Ảnh: Cục ATTT

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận do cần tiền tiêu xài và đánh bạc trên mạng nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người qua mạng xã hội.

Đối tượng lên mạng liên hệ với một người không rõ nhân thân lai lịch có tên "Nhi Xinh" để cấu kết lập tài khoản nhận tiền của các nạn nhân do Vũ lừa đảo.

Khi lừa được nạn nhân, đối tượng hướng dẫn họ chuyển tiền vào số tài khoản của "Nhi Xinh" và thỏa thuận trả tiền công cho "Nhi Xinh" 10% số tiền chiếm đoạt được.

Đối tượng mua các tài khoản mạng xã hội, đăng tải thông tin rao bán những món đồ nội thất, gia dụng lên các hội nhóm. Khi có người nhắn tin hỏi mua, đối tượng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc đến các tài khoản của "Nhi Xinh".

Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, Vũ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền, sử dụng vào việc đánh bạc trên mạng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 1-2023 đến khi bị bắt giữ, Vũ lừa hơn 400 người ở nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Lừa đảo tuyển mẫu ảnh Quý bà thanh lịch

Theo Công an TP Hà Nội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP đã thường xuyên phát thông báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là trẻ em như: tham gia diễn giả nhí, tham gia người mẫu nhí, tham gia trại hè...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục mở rộng đối tượng hướng tới là các “quý bà”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook.

Các đối tượng lập ra Fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà như: Công ty cần tuyển Mẫu ảnh Quý Bà Thanh Lịch; cơ hội để bạn tỏa sáng, hiện thực hóa vẻ đẹp quý phái và sức quyến rũ của mình qua ống kính tài năng của các nhiếp ảnh gia hàng đầu.

Hãy khám phá vẻ đẹp thanh lịch và sự duyên dáng của những bức ảnh với các quý bà hiện đại; Chúng tôi tìm kiếm những người phụ nữ tỏa sáng với phong cách riêng biệt, đẳng cấp và quyến rũ.

mao-danh-lanh-dao-tinh-soc-tran-de-lua-dao-6.jpg
Các đối tượng lập ra Fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà. Ảnh: Cục ATTT

Thông qua Fanpage, khi các nạn nhân có nhu cầu và liên hệ, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn Zalo và thông tin cá nhân để đăng ký.

Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ… với số tiền khác nhau.

Một nạn nhân của chiêu trò, bà Q. (ngụ Hà Nội) sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu, Bà Q. tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền.

Lừa đảo xin việc

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, ngụ thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời một trong những nạn nhân của đối tượng trên, anh B.V.T. (43 tuổi, ngụ phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) đã nhiều lần chuyển cho Thanh tổng số tiền hơn 400 triệu đồng để xin việc cho một số người thân của mình.

mao-danh-lanh-dao-tinh-soc-tran-de-lua-dao-3.jpg
Đối tượng không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa để sinh sống. Ảnh: Cục ATTT

Sau nhiều lần hứa hẹn, người thân của anh T. không được đi làm, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nên đã trình báo Công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, đối tượng không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa để sinh sống.

Tuy nhiên, Thanh luôn tự giới thiệu mình thân quen với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, có thể xin được vào làm việc tại các công ty lớn, với mức thu nhập ổn định từ 10 triệu đến 30 triệu đồng (tùy vị trí việc làm).

Ngoài ra, đối tượng lấy lý do và yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc số tiền 5-10 triệu đồng thì mới được nhận vào công ty làm việc, tiền cọc sẽ được công ty hoàn lại sau 3 tháng đi làm.

Đối với người có nhu cầu làm tài xế xe khách thì phải đặt cọc từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Sau hai năm đi làm, nếu không tự ý bỏ việc thì công ty sẽ hoàn trả số tiền đặt cọc.

Tin lời của Thanh, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để đặt cọc với mong muốn có được vị trí việc làm ổn định. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Kêu gọi từ thiện, nhóm đối tượng chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên không gian mạng.

Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Nguyễn Hồng Hận (SN 1999); Nguyễn Khánh Duy (SN 1995); Lê Huyền Trân (SN 2004); Huỳnh Thanh Toàn (SN 1997) và Trần Thị Kiều (SN 1970).

mao-danh-lanh-dao-tinh-soc-tran-de-lua-dao-2.jpg
Các đối tượng lấy thông tin từ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật đã đăng trên báo chí rồi đăng lại trên các hội, nhóm kêu gọi giúp đỡ. Ảnh: Cục ATTT

Sau khi thực hiện khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ 4 bộ máy vi tính, hàng chục thẻ sim điện thoại, nhiều điện thoại di động, xe máy và một số tang vật khác có liên quan.

Theo cơ quan Công an, từ khoảng năm 2022, nhóm đối tượng này tham gia nhiều hội, nhóm trên không gian mạng, nhất là các hội, nhóm thiện nguyện.

Các đối tượng nói trên lấy thông tin từ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật đã đăng trên báo chí rồi đăng lại trên các hội, nhóm kêu gọi giúp đỡ.

Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt tiền gần 2 tỷ đồng của rất nhiều người dân trên địa bàn cả nước. Vụ việc đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, mở rộng.

Lừa cài đặt ứng dụng, giả mạo dịch vụ công

Ngày 17-1, Công an TP Hà Nội cho biết từ đầu tháng 1-2024 đến nay, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người dân bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng.

Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người bị chiếm đoạt ít nhất là 252 triệu đồng.

Các đối tượng tội phạm này thường nhằm vào những người cao tuổi, ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

mao-danh-lanh-dao-tinh-soc-tran-de-lua-dao-3.jpg
Đối tượng tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Ảnh: Cục ATTT

Một trong các nạn nhân là anh V. (ngụ quận Long Biên, Hà Nội), sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A. (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe.

Do chị A. bận nên cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng...

Theo Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công.

Sau đó, giả danh là công an phường hoặc quận thông báo: CCCD chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công…; hướng dẫn nạn nhân cập nhật qua mạng vì để tiết kiệm thời gian.

Các đối tượng tiếp tục dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công.

Từ đó, mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Sau khi đã cài mã độc vào thiết bị của nạn nhân, các đối tượng sẽ lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm