Giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng

(PLO)- Giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo; Quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản... là một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến trong thời gian vừa qua. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong hai tuần (19-2 đến 25-2-2024) đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

PLO xin gửi tới bạn đọc một số hình thức lừa đảo nổi bật

Quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội

Cục An toàn thông tin cho biết, cơ quan công an vừa bắt giữ khẩn cấp đối tượng Đinh Văn Cường (trú tại thôn 4 Thượng Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội.

gia-danh-cong-an-kiem-sat-vien-goi-dien-lua-dao-chiem-doat-hon-200-ty-dong-5.jpg
Đối tượng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội Facebook chạy quảng cáo có khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ các loại với các hình ảnh, thiết kế đa dạng, hấp dẫn. Ảnh: Cục ATTT.

Qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam phát hiện một đối tượng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội Facebook có tài khoản Nhà gỗ Bảo LâmNét đẹp Cổ truyền chạy quảng cáo có khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ các loại với các hình ảnh, thiết kế đa dạng, hấp dẫn... sau đó yêu cầu các chủ đầu tư có nhu cầu làm nhà gỗ chuyển tiền đặt cọc nhưng thực chất nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, trước tài liệu, chứng cứ thu thập được, Đinh Văn Cường khai nhận do làm ăn thua lỗ, nợ tiền của nhiều người nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.

Khi các bị hại tin tưởng chuyển tiền đặt cọc xây dựng nhà gỗ thì Cường hủy kết bạn, chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Với các thủ đoạn trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Đinh Văn Cường đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng.

Giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng

Ngày 18-2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương thực hiện bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.

Qua điều tra ban đầu, công an xác định các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan, hoạt động lừa đảo thông qua công ty của nước ngoài, gồm 3 tuyến D1, D2 và D3.

gia-danh-cong-an-kiem-sat-vien-goi-dien-lua-dao-chiem-doat-hon-200-ty-dong.jpg
Công an xác định các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan. Ảnh: Cục ATTT.

D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa sim, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

Khi nạn nhân đã tin tưởng, rơi vào bẫy, nhóm này sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho nhóm D2 (tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an hoặc kiểm sát viên của Viện Kiểm sát) thông báo cho nạn nhân việc giấy tờ tùy thân của nạn nhân đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Sau khi biết nạn nhân đã dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) để "cơ quan chức năng" xác minh.

Khi nạn nhân cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (đối tượng cầm đầu đường dây), yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP; rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào ngân hàng của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.

Lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng xã hội

Ngày 22-2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh TT-Huế cho biết, đơn vị nhận một số tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo “đầu tư tài chính qua mạng xã hội”.

Với thủ đoạn tạo hồ sơ cá nhân giả mạo trên mạng xã hội với thông tin hoành tráng, lôi kéo qua tin nhắn, quảng cáo sàn đầu tư có nguồn gốc nước ngoài, hứa hẹn lợi nhuận khủng, dẫn dụ nạn nhân đầu tư nhỏ trước, sau đó yêu cầu đầu tư số tiền lớn hơn...

Các đối tượng lừa đảo sử dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website trực tuyến, quảng cáo lãi suất cao, an toàn và linh hoạt để thu hút nạn nhân.

gia-danh-cong-an-kiem-sat-vien-goi-dien-lua-dao-chiem-doat-hon-200-ty-dong-2.jpg
Các đối tượng lừa đảo sử dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website trực tuyến. Ảnh: Cục ATTT.

Ban đầu các đối tượng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng, đó cũng chính là "mồi câu", dẫn dụ người chơi đầu tư số tiền lớn hơn và không thể rút tiền trên ứng dụng hoặc website.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu người chơi phải tiếp tục đóng các khoản tiền để xác minh, lệ phí,… để rút tiền. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nên nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng

Ngày 22-2, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, liên tục đã có nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng, nhưng vẫn có nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, ngày 19-2, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh T (SN 1970, ở Tây Hồ, Hà Nội) có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online. Tại đây, Anh T. đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra. Lúc này anh mới phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

lừa đảo
Đối tượng lừa đảo luôn đưa ra rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân. Ảnh: Cục ATTT.

Có thể thấy, đối tượng lừa đảo luôn đưa ra rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân: với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng lãi suất cao (10-15% giá trị đơn hàng). Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

Khán giả bị lừa khi mua lại vé phim Đào, Phở và Piano

Theo Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, có tình trạng khán giả bị lừa khi mua lại vé phim Đào, Phở và Piano tại các hội nhóm trên mạng xã hội.

Cụ thể, vào ngày 20-2, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC) đã lên tiếng cảnh báo khán giả cẩn trọng, tránh bị lừa khi mua vé xem phim Đào, Phở và Piano qua các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Nhiều người dùng vì không thể mua vé tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “giao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản. Đồng thời cho biết đang khẩn trương khắc phục sự cố quá tải khi mua vé qua các nền tảng như website, app NCC, app ngân hàng, ví điện tử VNPAY…

Đến ngày 23-2, hệ thống bán vé online của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã có thể truy cập và hoạt động lại bình thường. Tuy nhiên, sau sự việc sập trang web vì sự quá tải truy cập cùng với tình trạng lừa đảo bán vé trên mạng xã hội nêu trên, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đưa ra thông báo chính thức trên website, vé phim Đào, Phở và Piano hiện CHỈ BÁN TRỰC TIẾP TẠI QUẦY VÉ (KHÔNG BÁN ONLINE) nhằm giảm thiểu tình trạng khán giả bị các bên giả mạo lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm