Bứt rứt, đổ bệnh vì nắng nóng

Tại TP.HCM, ngày 29-3, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C, chỉ số tia cực tím UV ở mức báo động 10-12 có thể gây ung thư da.

Nhiều trẻ phát bệnh về hô hấp, tiêu hóa

Ngồi tại khu vực chờ lấy thuốc ở Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, liên tục quạt mát cho con trai bốn tuổi tóc bết vì mồ hôi nhễ nhại, chị Võ Thị Thoa (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay bé được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, viêm ruột. Chị Thoa kể: “Sáng hôm qua, sau khi ăn cơm thì con tôi than đau bụng, tiêu chảy. Tôi nghi ngờ là do thức ăn có vấn đề nhưng trước khi ăn cơm, bé còn ăn đồ ăn vặt, uống nước ngọt và sữa nữa nên tôi không xác định được là do thứ gì gây ra”.

Ôm bé trai chín tháng tuổi liên tục quấy khóc, trên da nổi nhiều vết mẩn ngứa, đặc biệt ở trên mặt, bà Lại Thị Hường (bà ngoại bé) cho hay mấy ngày trước trên da bé nổi vài vết đỏ nên chỉ nghĩ bé bị dị ứng thông thường, chưa cho đi khám. “Tuy nhiên, mấy hôm nay trời nắng nóng quá, bé khó chịu bứt rứt trong người nên rất hay la khóc, các vết đỏ thì ngày càng lan rộng và to hơn nên tôi phải đưa bé vào đây khám để chữa cho dứt” - bà Hường cho biết.

Chăm sóc con gái ba tuổi đang điều trị bệnh viêm phổi tại khoa Hô hấp của BV, anh Trần Văn Tiến (ngụ quận 7, TP.HCM) cho hay: “Hai ngày đầu con tôi chỉ ho nhưng tôi cho uống thuốc không đỡ, đến ngày thứ ba thì bé sốt cao hơn và thở mạnh nên tôi cho con nhập viện thì được chẩn đoán viêm phổi”. Anh Đức than thở: “Trời nắng nóng quá nên tôi cũng hạn chế cho bé ra ngoài trời. Tuy nhiên, ở nhà bật máy lạnh thì bé hay ho, sổ mũi; còn không bật thì bé đổ mồ hôi, nóng bừng người. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân gây bệnh cho bé”.

BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay năm nay đợt nắng nóng đến sớm. Mỗi ngày BV tiếp nhận 5.000-5.500 bệnh nhân. Đáng lưu ý, số ca bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp đang có xu hướng tăng. Cứ trung bình 200 bệnh nhân đến khám tại BV thì có 50 bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp và 30 bệnh nhi mắc bệnh lý tiêu hóa. Bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ là tiêu chảy, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu. Cạnh đó, bệnh hô hấp thường gặp là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm amidan, viêm tai giữa...

BS Hoàng dự báo đợt nắng nóng có thể kéo dài, số trẻ bị ảnh hưởng tiêu hóa, hô hấp do nắng nóng sẽ còn tiếp tục tăng. BS Hoàng khuyến cáo phụ huynh cho trẻ ra nắng phải có biện pháp bảo vệ cho con em như đội nón rộng vành, đeo kính cho trẻ. Tia cực tím có thể xuyên qua kính xe hơi nên không được chủ quan khi di chuyển bằng xe. Thời điểm nắng nóng, trẻ hay được cha mẹ cho đi bơi giải nhiệt, tuy nhiên nên chú ý thời điểm, hạn chế cho trẻ bơi vào buổi trưa nắng. Khi trời nóng, phụ huynh hay sử dụng máy lạnh cho trẻ nhưng không nên để nhiệt độ quá lạnh, nhiệt độ thích hợp nên từ 27 độ trở lên, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.   

Tại BV Nhi đồng 2, gần cửa ngõ các tỉnh Đông Nam bộ, BS Lê Công Thiên, Phó khoa Khám bệnh của BV, cho hay trong đợt cao điểm nắng nóng, số bệnh nhi đến BV khám bệnh tiêu hóa đang tăng 10%-15% so với các tháng trước khiến khoa tiêu hóa có thời điểm bị quá tải. Đối với những bệnh tiêu hóa không cần chăm sóc chuyên sâu, BV phải bố trí cho bệnh nhân nằm điều trị ở khoa khác. Theo BS Thiên, số bệnh nhi khám tiêu hóa thường gặp là tiêu chảy cấp, tiêu chảy do nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ói.

Trẻ đến khám bệnh hô hấp và tiêu hóa trong tiết trời nắng nóng tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.LAN

Học sinh uống nước mát giải nhiệt vào giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp. Ảnh: N.QUYÊN

TP.HCM có chỉ số tia bức xạ cực tím UV rất cao trong những ngày này. Ảnh: H.LAN

Trường học, phụ huynh chủ động đối phó nắng nóng

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, diễn biến phức tạp, nhà trường cũng như phụ huynh đã phải dùng nhiều giải pháp để bảo vệ sức khỏe của con trẻ.

Đi học về giữa trưa dưới cái nắng gay gắt, em Phan Diễm (học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở quận Gò Vấp) lộ rõ sự mệt mỏi. Em tâm sự: “Lớp hơn 40 học sinh, trường chưa trang bị máy lạnh, chỉ có quạt trần, số lượng quạt cũng hạn chế nên trong lớp rất ngột ngạt. Hơn nữa, em đang trong giai đoạn ôn tập cao điểm cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, phải học suốt ngày mà thời tiết khó chịu như thế này, em thấy rất mệt, nhiều khi muốn xỉu”.

Lo cho sức khỏe của con gái, chị Hoan Nguyễn, phụ huynh em Diễm, đã lên sẵn một thực đơn cho con vào những ngày nắng nóng. Chị cho biết ngoài việc chế biến những đồ ăn tươi mát, hôm nào chị cũng pha sẵn cho con một ly nước trái cây cùng với yaourt để con uống thêm. Đặc biệt, mùa này nhà chị đã trang bị thêm hai máy lạnh để giúp con “trốn” nóng.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài và ngày càng trở nên gay gắt, các trường học cũng lên phương án để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Bà Lê Thị Mỹ Duyên (Hiệu trưởng Trường Mầm non phường 14, quận 11) cho biết trong thời tiết này, thực đơn của trường chủ yếu là những món ăn giải nhiệt. Mặt khác, trường cũng bổ sung một số loại nước như chanh, tắc, nước sâm. Về sinh hoạt, trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30, giáo viên sẽ đưa trẻ ra sân chơi, tắm nắng. Còn từ 9 giờ trở đi, khi nắng gắt, giáo viên có thể linh động chỗ chơi cho trẻ để làm sao bảo đảm được sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên tuyên truyền phụ huynh cho con mặc những trang phục thoải mái, mát mẻ, nhắc nhở con uống nước nhiều vào mùa này.

Tại Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân), vấn đề bảo vệ sức khỏe của trẻ vào mùa nắng cũng được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tiết trời nóng nực khiến người lớn cũng cảm thấy mệt, huống chi các bé vốn có sức đề kháng kém. Cho nên nhà trường luôn quan tâm đến chế độ ăn uống, vui chơi của trẻ.

“Hầu như ngày nào nhà trường cũng cho các bé dùng các loại nước trái cây có vị chua sau khi ngủ dậy. Loại nước này sẽ cung cấp vitamin C để bé có năng lượng. Ngoài ra, tôi cũng cho các bé ăn thêm yaourt. Trong một tuần có thể ăn đan xen ba lần yaourt vào cữ 9 giờ. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tăng cường việc cho trẻ uống nhiều nước. Về thực đơn, trường chú ý tăng cường các món ăn lỏng như canh chua, rau củ tươi được chế biến đẹp mắt để kích thích khẩu vị của bé. Nhờ vậy, rất ít bé bị nhiễm bệnh mùa này” - bà Toàn nói.

Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận 12), bà Lý Thị Mỹ Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết vào giờ chơi, nhà trường hạn chế việc các bé chơi ngoài trời, khuyến khích các bé uống nhiều nước, ăn đồ ăn ở căn tin, không mua đồ ăn ngoài trường. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng nhắc nhở phụ huynh đón con đúng giờ và nên mặc áo khoác, đội nón cho con đầy đủ.

Các biện pháp phòng ngừa cảm nắng

Nói “cảm nắng” là từ gọi chung trong dân gian đối với tất cả bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra như phù, phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức, đột quỵ do nhiệt. Để phòng ngừa cảm nắng, chúng ta nên có các biện pháp: Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ đến 16 giờ; chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp, về da, sởi, quai bị, bệnh  tay-chân-miệng; không tắm ngay khi vừa đi ngoài trời nắng nóng; không tắm nhiều lần trong ngày.

BS CKII NGUYỄN VIẾT HẬU, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, 
BV ĐH Y Dược TP.HCM

Khi trẻ có dấu hiệu sốc nhiệt, ngất xỉu cần cho ngay vào chỗ mát, dùng khăn mát lau, không được chườm đá làm thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến trẻ đột quỵ và đưa trẻ đi cấp cứu nếu tình hình nặng để tránh tổn thương não.

BS PHẠM VĂN HOÀNG, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới