Khi chưa có email, giá tem thư thấp nhất 800 đồng. Đến thời email bùng nổ, người người chuyển sang dùng thư điện tử thì giá tem lại tăng lên 3.000 đồng. Thực ra do vật giá leo thang, thư tay lại quá ít, có bưu cục vài ngày mới có một cái thư (không như trước đây, nhân viên gom thư một ngày 2-3 lần) nên tăng giá để bù vào các khoản thâm hụt là điều tất yếu. Hơn nữa, người đã chọn thư tay (ngoại trừ các công ty) đều không tính toán vài ngàn đồng vì họ thích hoài cổ, yêu cái thời mong ngóng những cánh thư tay thơm mùi giấy.
Khách hàng chen chúc nhau trong một bưu điện để mong mình được phục vụ trước. Ảnh: HD
Tuy nhiên, tăng phí tem thì chất lượng dịch vụ cũng nên tăng. Ngày xưa đi lại khó khăn, thư tín chậm còn thông cảm được nhưng ngày nay mà một bức thư gửi trong nội thành mất cả tuần để đến nơi thì khó hiểu quá. Tuần trước, một cơ quan gửi thư cho tôi mời họp mặt. Họ gửi thư tay vì có nhiều khách mời lớn tuổi, không biết email. Thư đi mất 5-6 ngày, chậm đến nỗi nhiều người nhận được thư sau khi cuộc họp diễn ra, may nhờ cơ quan gọi điện thoại nhắc chúng tôi mới biết để đến dự.
Vấn đề chuyển tiền cũng chưa tốt. Nhân viên bưu điện thường hỏi những câu cứng nhắc như “Ai gửi? Cơ quan nào? Họ tên người gửi? Địa chỉ nơi gửi?” dù khách có thư mời nhận tiền rõ ràng. Tôi nhiều lần bối rối vì không trả lời được, cảm thấy như mình “gian” lắm vậy. Tôi cộng tác nhiều báo, họ gửi nhuận bút tôi đâu biết bên nào. Sau một hồi đọc cả chục cái tên báo mới trúng được đáp án. Tôi biết liên quan đến tiền bạc phải cẩn trọng và làm đúng quy định ngành. Nhưng theo tôi, kiểm tra chứng minh nhân dân người nhận tiền là đủ. Nếu cố tình gian, kẻ xấu sẽ lên trang vnpost.vn để kiểm tra số hiệu trước nhằm trả lời cho suôn sẻ. Câu hỏi vậy là thừa.
Còn một việc tế nhị nữa, tôi không rõ vì sao nhưng nếu trong thư hay báo biếu có kèm phiếu quà tặng, phiếu mua sắm thì đều biến mất một cách bí ẩn. Có thể đây chỉ là hiếm gặp nhưng bị hai lần là đủ nhớ rất lâu.
Để được ưu ái lựa chọn, bưu điện phải bỏ bớt các quy tắc lỗi thời, thủ tục rườm rà để thu hút khách hàng. Nên có thái độ cầu thị, lắng nghe góp ý từ nhiều nguồn. Nếu thư hay bưu phẩm đến muộn vì lý do khách quan, bưu tá có thể giải thích cho khách hàng, gắn một mảnh giấy nhỏ ghi lời xin lỗi (nếu chủ nhà đi vắng). Chỉ là hành động nhỏ thôi nhưng sẽ làm cho người nhận ấm lòng. Đó cũng là nét đẹp riêng, chỉ có kiểu phát chuyển truyền thống này có được.