Tại buổi tọa đàm "Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM" do Sở GTVT TP, Sở Du lịch và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đang diễn ra chiều nay (28-11), ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, khẳng định tiềm năng 1.000 km đường sông, kênh, rạch của TP nhiều năm qua chưa được khai thác tương xứng, hiệu quả.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT (giữa): "Tiềm năng đường sông, kênh, rạch của TP chưa được khai thác tương xứng, hiệu quả".
Cũng theo ông Cường, trước tốc độ phát triển dân cư, đô thị hóa và kẹt xe ngày càng tăng thi việc phát triển vận chuyển hành khách bằng đường sông gắn kết với phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hiện đại sẽ là bước "gỡ" cho cả hai mảng vận chuyển và du lịch bị "bóc tách rời xa nhau" như lâu nay.
Ông Cường đưa ra dẫn chứng, tuyến buýt sông số 1 gắn với du lịch vừa đưa vào hoạt động ngày 25-11 vừa qua là bước khởi động trở lại làm sống dậy tiềm năng đường sông của TP. Tuyến này do Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư 100% từ hệ thống nhà ga, cầu cảng, bến bãi đưa đón khách đến tàu thuyền hiện đại. "Hướng đi của vận tải hành khách đường sông trong thời gian tới là xã hội hóa hoàn toàn. Ngân sách sẽ không "gánh'". Vấn đề là chính quyền TP, các sở chuyên ngành phải trở thành 'bà đỡ', đề ra các giải pháp để các nhà đầu tư phát triển cả vận chuyển hành khách và du lịch bằng đường sông!" - ông Cường nói.
"Khi đi water bus người dân vừa được thư giãn, nghỉ ngơi vừa được ngắm nhìn những công trình hoành tráng đang mọc lên, các khu đô thị mới đang hình thành" - một diễn giả nói.
Theo Sở GTVT TP, hiện TP có các loại hình du lịch đường sông bằng du thuyền, nhà hàng, thuyền nhỏ, canô cao tốc, thuyền cayak... Cùng với đó là các loại hình tuyến: du lịch tầm ngắn (dưới 30 km trong đường sông nội đô), tầm trung (từ trên 30 đến 70 km), tầm xa (trên 70 km) và du lịch pha sông biển (với nguồn khách đi đến từ các cảng biển trong khu vực (như Cát Lái, Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép, Cảng Sài Gòn...) chuyển tiếp từ tàu biển quốc tế sang tàu sông...
Du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là loại hình du lịch tầm ngắn.
Nhiều ý kiến cho rằng bến, nhà ga đường thủy phải đi liền, gắn kết với cảnh quan TP và các điểm đến. Trong ảnh: Khu du lịch Bình Quới là điểm đến hấp dẫn nên theo nhiều diễn giả phải có không gian, kiến trúc trên bến, dưới thuyền đẹp tương xứng...
Nhiều ý kiến cho rằng hiện tĩnh không của nhiều cây cầu đang 'cản trở' sự phát triển của cả buýt và du lịch đường sông. Trong ảnh, tàu water bus khi chui qua cầu Kinh Thanh Đa cao chỉ 3,5 m nên thủy thủ phải leo lên nóc hạ cột cờ, đèn xuống. Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp tán thành với ý kiến của Sở GTVT về việc sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, 4 theo dạng cầu quay hoặc cầu mở để thuận lợi cho các loại tàu biển, thuyền du lịch lớn lưu thông tiếp cận được ngay khu vực cảng Khánh Hội - Nhà Rồng. Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty CP đầu tư Hoàng Triều, đưa ra đề nghị TP sớm kiến nghị Bộ GTVT nhanh chóng hoàn thành xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi để khơi thông dòng khách buýt và du lịch ngược lên sông Sài Gòn về Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh...
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp nêu ra vấn đề hiện TP có quá ít bến, bãi, cảng để làm nhà ga, bến tàu sông. Trong khi đó, việc tạm ngưng hoạt động của khu cảng sông bến Bạch Đăng hơn hai năm tám tháng qua đã góp phần "kìm hãm" tốc độ phát triển du lịch đường sông và buýt sông.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết việc tạm ngưng bến Bạch Đăng thời gian qua nhằm chỉnh trang lại cả trên bờ và dưới nước của khu vực này. Nay việc quy hoạch, chỉnh trang lại khu bến sông này đang định hình song song với khu cảng biển Khánh Hội - Nhà Rồng đang được chuyển giao, chuyển đổi công năng để hình thành khu liên hoàn, chuyển tiếp giữa cảng biển và cảng sông để đón hành khách du lịch trong và ngoài nước.
Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết hiện TP đang quy hoạch lại các bến thủy và xây dựng quy chuẩn về nhà ga, bến tàu du lịch kết hợp với buýt sông. "Khi bản quy chuẩn nhà ga, bến tàu hoàn chỉnh, TP sẽ ban hàn hành để các nhà đầu tư xã hội tham gia đầu tư!" - ông Vũ nói.
Các nhà đầu tư xã hội sẽ 'mạnh tay' làm bến, cầu tàu để phát triển buýt, du lịch đường sông sau khi TP có quy hoạch và quy chuẩn.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến 'gút' lại: TP có ba thuận lợi, ba khó khăn trong phát triển buýt, du lịch đường sông. Ba thuận lợi đó là: TP có nhiều tuyến sông nằm ngay trung tâm kết nối được với đường biển và hệ thống kênh rạch lan tỏa về tất cả các hướng; TP có nhiều điểm đến tham quan du lịch cảnh quan, tâm linh, địa danh lịch sử, làng nghề... có thể đi, đến bằng đường sông; TP có nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, nhiệt tình đến... 'mặn mòi' với đường sông. Ba khó khăn là một số tuyến du lịch đầu tư nâng cấp còn chậm vì vướng cầu, đường (như tuyến đi Củ Chi vướng cầu Bình Lợi và đường sắt); hệ thống cảng, bến sông chưa nhiều, đủ diện tích và quy mô tương xứng với tốc độ phát triển các lại tàu, thuyền, ca nô, du thuyền; quỹ đất xây dựng hạ tầng cảng, bến ngày càng ít...
Tại tọa đàm, ý kiến nhiều doanh nghiệp cho rằng cảng bến dọc các tuyến sông, kênh, rạch còn lam nham, mặt nước còn ô nhiễm... đang cản trở du lịch và buýt bằng đường sông