Chiều 30-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM có buổi khảo sát công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Ung bướu.
Nhân lực đủ, thuốc hiếm thiếu
BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu, cho biết từ năm 2021 đến nay, tổng cộng 131 nhân viên y tế của BV nghỉ việc. Trong đó có 19 bác sĩ (BS) và 46 điều dưỡng.
“Lý do nghỉ việc chung do hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, thêm nguyên nhân khác do xa nhà. Không ít nhân viên y tế nhà ở các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn phải di chuyển đoạn đường xa để tới Cơ sở 2 của BV Ung bướu (TP Thủ Đức) làm việc. Mặc dù mỗi người hằng tháng được BV hỗ trợ 1 triệu đồng tiền đi lại nhưng vẫn không bám trụ được với nơi này” - BS Thịnh cho biết thêm.
|
BS Nguyễn Hoài Nam đang trình bày tại buổi khảo sát. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Có một điều đáng mừng là từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, BV Ung bướu tuyển được 181 nhân viên y tế. Trong đó có 27 BS và 55 điều dưỡng. “So sánh cho thấy số lượng nhân viên y tế tuyển thêm nhiều hơn nghỉ việc. Do vậy, BV vẫn đảm bảo tốt hoạt động khám và điều trị” - BS Thịnh trình bày.
Đề cập đến thuốc, BS Thịnh cho biết tính tới thời điểm hiện tại, cơ bản BV vẫn đảm bảo được thuốc cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, BV vẫn gặp một số khó khăn trong việc cung ứng thuốc.
Sẽ tham mưu để HĐND ký văn bản gửi UBND TP
Sau cuộc khảo sát này, bộ phận chuyên trách của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM sẽ ngồi lại với BV Ung bướu và Sở Y tế TP.HCM hệ thống lại những bất cập, khó khăn cũng như các đề xuất để tham mưu cho Thường trực HĐND ký văn bản gửi UBND TP.HCM.
Ông CAO THANH BÌNH,
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM
“Một số thuốc điều trị ung thư hiếm như Vinblastin, Dactinomycin… không có nguồn cung ứng sẵn trên thị trường. Do đó, BV phải gửi dự trù hằng năm cho công ty nhập khẩu. Tuy nhiên, do thường xuyên không có thuốc cung ứng nên BV phải thay phác đồ điều trị” - BS Thịnh nói.
Kiến nghị đấu thầu tập trung
Theo BS Thịnh, phần lớn thuốc điều trị ung bướu được nhập khẩu, rất ít được sản xuất trong nước. Do vậy, trước tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, việc dự trữ thuốc tồn kho bị giảm. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc có thể xảy ra ở một số thời điểm.
Để thuốc điều trị ung bướu không thiếu hụt, BS Thịnh đề nghị giảm thủ tục hành chính để việc cấp sổ đăng ký thuốc được nhanh chóng, tạo thêm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường.
“BV Ung bướu TP.HCM kiến nghị đấu thầu tập trung để có giá thuốc thống nhất và tốt nhất cho người bệnh” - BS Thịnh trình bày.
Cần sự vào cuộc của các sở, ngành
Bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, băn khoăn: “BS, điều dưỡng nhiều kinh nghiệm nghỉ việc, BV tuyển dụng thêm BS, điều dưỡng mới. Liệu lực lượng mới tuyển này có đủ năng lực để khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân không?”.
BS Thịnh trả lời ngay: “Do đa phần BS, điều dưỡng nghỉ việc không phải lực lượng chủ chốt, chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm nên không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân”.
Tiếp theo, ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, đặt câu hỏi: “Thiếu thuốc hiếm, BV thay phác đồ điều trị. Việc thay thế phác đồ có mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư hay không?”.
“Căn cứ vào y văn thế giới, ung thư có nhiều phác đồ điều trị. Do vậy, thiếu thuốc hiếm vẫn có thể thay đổi phác đồ điều trị mà hiệu quả vẫn như nhau” - BS Thịnh giải thích.
Thu nhập của nhân viên y tế BV Ung bướu TP.HCM rất thấp
Theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, thu nhập bình quân hằng tháng mỗi nhân viên y tế của BV trong năm 2021 là 8.098.000 đồng. Tết Nguyên đán 2022, mỗi người được hỗ trợ thêm 7,5 triệu đồng.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết thu nhập đối với một BV chuyên sâu như thế là rất thấp. Do vậy, ngành y tế TP.HCM phải nghiên cứu để có cơ chế, chính sách dành cho nhân viên y tế của BV chuyên sâu.