Đó là nội dung được Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức – cũng là người đại diện cho các bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” diễn ra sáng 21-8 tại Hà Nội.
Liên quan đến chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, ông Thức nhấn mạnh: "Chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp”.
Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt.
Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
"Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ", ông Thức nói.
Từ thực tế trên, ông Thức kiến nghị cần thiết điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. |
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường báo cáo, vừa qua trên địa bàn có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ công tác. 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố có 111 nhân viên y tế xin thôi thôi việc, trong đó có 48 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 5 kỹ thuật và 24 nhân viên y tế khác. Việc này gây ảnh hưởng đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chung của ngành y tế thành phố. Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến tình trạng này.
Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, 9.397 là số viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, tính từ đầu năm 2021 đến sáu tháng đầu năm nay.
Đơn vị này cũng đã chỉ ra tám nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học sáu năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, bảo hiểm y tế).
Với mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Để có giải pháp căn cơ, lâu dài đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt là y tế cơ sở và y tế dự phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết cần có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.
Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội…; phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.