Nhân viên y tế ngóng chờ tăng thu nhập

(PLO)- Nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã/phường… là điều mà các cán bộ, nhân viên y tế mong muốn đón nhận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo mức 100% và 40% tùy tính chất công việc.

Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Ảnh: NHƯ LOAN

Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Ảnh: NHƯ LOAN

Mong đề xuất phụ cấp sớm đi vào thực tiễn

Nhắc đến chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế làm chuyên môn tại trạm y tế (TYT) xã/phường, BS Lê Văn Đáp, Trạm trưởng TYT xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho hay: Nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã/phường là đề xuất hợp lý, giống một món quà tinh thần giúp nhân viên y tế có thêm động lực để bám cơ sở, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn.

Dịch COVID-19 đã bộc lộ những khó khăn, bất cập của đội ngũ nhân lực y tế cơ sở và y tế dự phòng. Ảnh: NHƯ LOAN

Dịch COVID-19 đã bộc lộ những khó khăn, bất cập của đội ngũ nhân lực y tế cơ sở và y tế dự phòng. Ảnh: NHƯ LOAN

“Tôi công tác tại trạm đến nay đã 26 năm, trong đó 22 năm giữ chức vụ trạm trưởng. Là người đứng đầu cơ sở, tôi hiểu hơn ai hết những vất vả của anh em đồng nghiệp. Thời điểm bùng dịch, chúng tôi không ngại khó khăn, nguy hiểm lao vào tâm dịch. Bây giờ Bộ Y tế có đề xuất nâng phụ cấp, chúng tôi rất vui, nó giống món quà khích lệ tinh thần vậy” - ông Đáp chia sẻ.

BS Nguyễn Trà My, Phó Trưởng TYT phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: Nếu Bộ Y tế đã có chủ trương và dự thảo đề xuất, cơ sở y tế mong các chính sách sớm đi vào thực tiễn. Đây cũng là điều mà các cán bộ, nhân viên y tế mong muốn đón nhận. Phụ cấp dù không nhiều nhưng đó cũng là một phần để động viên nhân viên y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác.

Chị Nguyễn Thị Hương Lan, Trạm trưởng TYT phường Khánh Bình (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), cũng rất phấn khởi khi nghe thông tin này. Chị chia sẻ: “Nếu được tăng phụ cấp như vậy sẽ giải quyết được phần nào khó khăn trong đời sống của cán bộ, nhân viên y tế cấp xã/phường. Tôi và mọi người ai cũng mong muốn điều này ”.

“Chính sách hỗ trợ thêm 40% là niềm khích lệ để nhân viên y tế có thêm phần thu nhập, hỗ trợ cuộc sống.”

TS-BS Phan Minh Hoàng

Giải quyết được một trong những nguy cơ ngành y đang đối mặt

BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, TP.HCM (nơi quản lý các TYT trên địa bàn), cho biết tùy vị trí công việc, nhân viên các TYT hiện nay mỗi tháng được nhận thêm phần hỗ trợ của TP.HCM (đại học 900.000 đồng, cao đẳng và trung cấp 450.000 đồng), tiền phụ cấp chống dịch, tiền làm thêm giờ theo quy định.

“Tuy nhiên, tổng thu nhập thực tế mỗi tháng của từng nhân viên các TYT còn khiêm tốn. Nếu có thêm mức phụ cấp 100%, nhân viên các TYT vừa cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước, vừa gia tăng nguồn thu nhập. Điều này giúp nhân viên các TYT dồn tâm, dồn sức với công việc, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con tốt hơn” - BS Tuyến bày tỏ.

TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết: “Thu nhập hiện nay của một nhân viên y tế phục hồi chức năng tầm 8-9 triệu đồng/tháng nên khó đảm bảo cho cuộc sống trong tình hình giá cả ngày một leo thang. Thu nhập của nhân viên y tế xét nghiệm và kiểm soát nhiễm khuẩn cũng tương tự. Do vậy, chính sách hỗ trợ thêm 40% là niềm khích lệ để nhân viên y tế có thêm phần thu nhập, hỗ trợ cuộc sống”.

Sở Y tế TP.HCM đưa ra bốn nguy cơ mà TP đang đối mặt. Trong đó có nguy cơ “xuất hiện tâm trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế”. “Lo lắng vì thu nhập thấp, lo lắng không đủ tiền để chi tiêu cho những khoản cần thiết hằng ngày. Một khi thu nhập tăng cao, giải tỏa được nỗi lo lắng, đồng nghĩa TP.HCM cơ bản giải quyết được nguy cơ này” - TS-BS Hoàng nêu quan điểm.

9.397

là số viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, tính từ đầu năm 2021 đến sáu tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam.

Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra tám nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Lương và phụ cấp thấp - khó giữ chân nhân viên

Tại Bình Dương, mặc dù cán bộ y tế vẫn đang thiếu nhưng hiện nay cán bộ y tế nghỉ việc ngày càng tăng. Theo thống kê, trong năm 2021 có đến 162 cán bộ y tế nghỉ việc/bỏ việc, trong đó có 24 bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa. Còn tính đến tháng 6-2022, có đến 166 cán bộ y tế nghỉ việc, bỏ việc, trong đó có 35 bác sĩ.

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, lý do cán bộ ngành y tế nghỉ việc, bỏ việc là do lương và chế độ thấp, công việc vất vả, môi trường làm việc áp lực, tiếp xúc liên tục với các yếu tố nguy hại. Đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19, cán bộ y tế bị áp lực quá lớn, đối mặt với nguy hiểm rất nhiều.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã đăng ký tuyển dụng viên chức y tế năm 2022 với 786 chỉ tiêu để bù đắp nhân lực cho ngành. Tuy nhiên, để tuyển được nhân sự trong thời điểm này là rất khó khăn.

Ông Chương cho biết thêm để thu hút lực lượng y bác sĩ có chuyên môn về làm việc tại Bình Dương, đặc biệt là các bệnh viện công lập và để giữ chân cán bộ y tế, Bình Dương đang duy trì chính sách hỗ trợ các bác sĩ về Bình Dương theo Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá là 400 triệu đồng.

Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hằng tháng 2-3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, vào ngày 29-1, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định 06 hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế tại các TYT, phòng khám đa khoa khu vực xã/phường/thị trấn 3 triệu đồng/bác sĩ/tháng. Đối với các chức danh khác là 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, thời gian hỗ trợ chỉ được đến hết cuối tháng 12.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, khi nhân viên y tế xin nghỉ việc, chứng tỏ nơi đó đã không còn đủ hấp dẫn, không còn đủ sức giữ chân họ trước nhiều ngả rẽ khác. Muốn biết được nguyên nhân chính xác của vấn đề, cần thiết phải có đánh giá tổng thể về thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc.

“Để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng tôi cho rằng dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực” - TS Quang nói.•

Lương bác sĩ chưa được 5 triệu đồng/tháng

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học sáu năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, bảo hiểm y tế).

Với mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Cần có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý

Để có giải pháp căn cơ, lâu dài đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt là y tế cơ sở và y tế dự phòng, cần có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.

Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội…; phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.