Ngày 30-4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa xác nhận cơ quan này đã có báo cáo về hiện tượng cá bớp nuôi lồng chết hàng loạt tại khu vực Hòn Thị, đầm Nha Phu thuộc xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang.
Hiện đã có 10 trong tổng số 11 hộ nuôi cá bớp ở Hòn Thị, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang có cá chết hàng loạt. Ảnh do người nuôi cá cung cấp
Theo đó, hiện tượng cá chết không rõ nguyên nhân tại các lồng nuôi ở Hòn Thị xuất hiện từ ngày 21 đến 25-4. Lúc đầu, cá bỏ ăn, giảm ăn, sau đó chết rất nhanh trong vòng 3-5 ngày. Cá chết đều có các dấu hiệu lâm sàng tương tự như da có màu đen sậm, miệng cá không ngậm lại được, trên da xuất hiện những đốm nhỏ li ti màu hồng, mang cá có màu đỏ sậm hoăc màu trắng nhợt nhạt… Phần lớn cá chết có trọng lượng 2-4 kg/con, được nuôi 4- 5 tháng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lương, hiện đã có 240 lồng cá bớp của 10 hộ nuôi ở khu vực Hòn Thị bị chết, ước thiệt hại 3,8 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là hộ ông Trần Đức bị chết hơn 1.000 con nuôi ba tháng, hộ ông Đặng Văn Mười có hơn 500 con bị chết (mỗi con có trọng lượng 3-4 kg)…
Hiện khu vực này chỉ còn một hộ nuôi cá bớp chưa có hiện tượng cá chết nhưng cũng đã có dấu hiệu dịch bệnh.
Từ kết quả xét nghiệm và nghiên cứu thông tin dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y Khánh Hòa đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân cá bớp nuôi ở xã Vĩnh Lương chết hàng loạt là do bị nhiễm khuẩn nặng, nghi ngờ loài vi khuẩn cảm nhiễm V.alginolyticus. Ngoài ra, do khu vực nuôi có sứa bi nhiều, độ nhớt nước cao, khi chế độ vệ sinh lồng không đảm bảo làm cho việc lưu thông nước trong lồng kém, gây hiện tượng thiếu oxy trong lồng nuôi, dẫn đến tạo stress đối với đàn cá nuôi cùng với tác nhân cơ hội là Vibrio tấn công, khiến cá chết hàng loạt.
Nhiều con cá bớp chết có trọng lượng hơn 5 kg. Ảnh do người nuôi cá cung cấp
Hiện Chi cục Chăn nuôi và thú y Khánh Hòa đã đưa ra nhiều khuyến cáo giúp hạn chế tình trạng cá chết, giảm thiểu thiệt hại như san thưa đàn cá trong các lồng còn lại, tách những cá thể yếu, bị bệnh ra khỏi đàn để điều trị riêng, ngăn chặn lây lan dịch bệnh; đồng thời thu gom xác cá chết đưa vào bờ để xử lý.