Theo lời kể của chị Phương, mấy ngày nay trời rét đậm, sợ cậu con trai mới sinh không đủ ấm chị đã đặt một chậu than hoa trong phòng để sưởi. Lúc xảy ra tai nạn, trong căn buồng hơn 10m2 có hai mẹ con chị và người chị dâu, cả cửa sổ và cửa ra vào đều đóng kín.
"Trước đó, mình đã thấy hơi chóng mặt nhưng nghĩ không sao nên mới đứng dậy. Không ngờ mình lại đánh rơi con đúng vào chậu than đỏ rực. Mình làm rơi con lúc nào mà cũng không biết", chi Phương buồn bã kể lại.
Ở quê không có kiều kiện, nhà nào có trẻ nhỏ cũng sưởi ấm bằng than. Khi sinh hai đứa con trai đầu, chị cũng đốt than hoa để sưởi nhưng khi đó thời tiết không lạnh như mấy ngày này, cửa vẫn mở chứ không đóng kín mít, chị Phương cho biết."Từ lúc bị bỏng, có người bồng, ru thì cháu mới ngủ, chứ cứ đặt xuống giường là lại khóc. Giờ mình chỉ còn biết hy vọng con chóng khỏi", chị Phương nói.
Bác sĩ Phạm Quang Thịnh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia cho biết, bé Nhật bị bỏng 15%, toàn bộ đầu và nửa mặt bên trái, trong đó bỏng sâu 3%. Tình trạng bé giờ đã tạm ổn định nhưng vẫn đang phải theo dõi. Có khả năng sẽ phải cấy ghép da ở những chỗ bị bỏng sâu.
"Vì nhà đóng kín mít cửa sưởi bằng than nên chị Phương mới bị ngất, đánh rơi con đang bế trên tay do ngộ độc khí CO, CO2, người chị dâu thì cũng bị nôn ói. May là bé không bị bỏng hô hấp, nếu không sẽ rất khó chữa", bác sĩ Thịnh nói.
Trước đó, Viện cũng tiếp nhận một bé gái một tuổi ở Phổ Yên, Thái Nguyên bị bỏng toàn bộ vùng mặt do ngã vào đống lửa mà mẹ đốt để sưởi ấm.
Bác sĩ Thịnh cũng khuyến cáo, trời rét đậm nhiều người, nhất là ở nông thôn hay dùng củi, than, bếp lò để sưởi ấm. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây ngộ độc khí CO, CO2 hoặc gây bỏng, thậm chí gây cháy. Ngoài ra nếu bắt buộc phải sưởi thì không nên đóng kín cửa, đặc biệt luôn luôn phải có người lớn giám sát các bé. Bên cạnh đó, cũng không nên để trẻ ngồi quá gần bếp vì da trẻ mỏng, dễ bị bỏng. Điều cần thiết là làm ấm phòng chứ không cần để trẻ trực tiếp gần nguồn nhiệt.
Theo Nam Phương (VNE)