Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
12 giờ trưa 11-10, cùng với các công sở trên toàn quốc, đội danh dự thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi thức treo cờ rủ tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo thông báo của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong hai ngày 12 và 13-10. Tuy nhiên, cờ rủ ở các công sở, nơi công cộng sẽ bắt đầu được treo từ 12 giờ trưa 11-10 đến 12 giờ ngày 13-10 cùng với việc ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí.
Trong suốt hai ngày tang lễ sẽ có 60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu Đại tướng. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, nói:“Tôi hết sức vinh dự, tự hào và xúc động khi được tổ chức phân công cùng một số tướng lĩnh được túc trực bên linh cữu của Đại tướng. Tôi nghĩ trong cuộc đời của mình chưa được một lần gặp Đại tướng nhưng giây phút cuối cùng trước khi Đại tướng về cõi vĩnh hằng, tôi may mắn được cùng các đồng đội canh giấc ngủ cho Đại tướng. Đó sẽ là kỷ niệm theo tôi đi suốt cuộc đời!”.
Hôm nay, mọi hoạt động ở Quảng Bình và nhiều nơi trong cả nước ngừng lại. Người dân đi mua thêm dải vải đen về tự khâu và treo cờ rủ. Cờ Tổ quốc viền đen, cờ không còn bay phất phới như mọi ngày. Cờ rủ ngập mọi ngõ ngách đường phố đến tận các làng quê. Đội danh dự treo cờ rủ tại quảng trường Ba Đình. Ảnh: THỤY CHI. Các em học sinh Trường Tiểu học Hải Đình (Quảng Bình) đến viếng Đại tướng tại nhà lưu niệm từ mờ sáng trước khi giờ học bắt đầu. Ảnh: LÊ PHI
Tại Quảng Bình, ngày 11-10, hàng trăm người dân và đại diện cơ quan với trang phục áo đen tiến vào nhà lưu niệm của Đại tướng để dâng hương. Mọi công việc chuẩn bị cho lễ viếng quốc tang tại quê nhà đã được gia đình, thân nhân Đại tướng và dân làng lo chu toàn. Các lễ cúng theo phong tục truyền thống được gia đình tổ chức. Một số đoàn bận đi công tác xa trong đêm không thể vào nhà viếng Đại tướng vì quá khuya nên họ đứng ngay ngoài đường bên hàng chè tàu để hành lễ.
Khu vực vũng Chùa - đảo Yến mưa trắng trời nhưng khu vực nơi an táng của Đại tướng, công tác thi công đường sá, bãi đỗ xevẫnrất hối hả.
Quân dân Trường Sa tưởng niệm Đại tướng
Chiều 11-10, Trung tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa), cho biết cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang tiến hành trang trí hội trường và lập xong bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho lễ viếng và lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sáng nay.
Trước đó, trưa 4-10, bộ đội trên đảo bàng hoàng biết tin Đại tướng vừa từ trần qua bản tin thời sự trên truyền hình. Tất cả đều rất buồn và cảm thấy mất mát không gì bù đắp nổi. Trong buổi chào cờ sau đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã dành phút mặc niệm Đại tướng.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh do Trung tá Đỗ Thế Tuyến gửi về từ đảo Sơn Ca)
Tại đảo Sơn Ca, từ 15 giờ ngày 11-10 toàn đảo bắt đầu thắp hương tưởng niệm viếng Đại tướng. Ngoài cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo, công nhân thuộc Công ty Xây dựng Trường Xuân đang xây chùa Sơn Ca và ngư dân đánh bắt hải sản quanh đó cũng thắp hương tưởng niệm. “Cũng như đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân dân đảo Sơn Ca hướng về Đại tướng với lòng thành kính và tiếc thương. Chúng tôi làm hai vòng hoa, ở giữa vòng hoa cắm hoa bàng vuông để viếng Đại tướng. Đêm nay, các chiến sĩ sẽ thay nhau canh gác bên bàn thờ Đại tướng để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến thắp hương. Sáng 12-10, toàn bộ quân dân trên đảo sẽ làm lễ tưởng niệm bên cột mốc chủ quyền. Quân dân đảo Sơn Ca biến đau thương thành hành động cách mạng, học tập và noi gương Đại tướng” - Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Đảo trưởng đảo Sơn Ca, cho biết.
Tại Lào, cộng đồng người Việt tụ họp chia sẻ với nhau, ngậm ngùi nhớ tiếc. Sống nơi đất khách quê người không có điều kiện về nơi căn nhà của Đại tướng để thắp một nén nhang nhưng người dân vẫn tìm cách để bày tỏ lòng mình với Đại tướng.
Bà Nguyễn Thị Nương, Việt kiều thủ đô Vientiane, nói: “Chúng tôi chỉ mong được về để tiễn đưa nhưng vì tôi ở xa xôi, chúng tôi xin dâng một lạy chia buồn với gia đình, với quê hương đã mất một Đại tướng. Bà con ở đây lúc nào cũng nghĩ về quê hương, nghĩ về đất nước”.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane, cho biết: “Bà con kiều bào luôn tâm niệm rằng bác Võ Nguyên Giáp đánh thắng hai kẻ thù xâm lược thì chúng ta phải là người giữ và xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh hơn, tươi đẹp hơn”.
CÔNG THI -QUỐC KHÁNH - TUẤN CƯỜNG
Lập không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(PL)- Chiều 11-10, Thành đoàn TP.HCM chính thức mở cửa không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) để các đoàn viên, thanh niên người dân TP cùng bày tỏ lòng thành kính với sự ra đi của vị tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.
Không gian tưởng niệm được thiết kế mở, trang nghiêm với hai gam màu đen, trắng. Quanh không gian tưởng niệm trưng bày hơn 50 bức ảnh với chủ đề tiểu sử, cuộc đời của Đại tướngvà Đại tướng với tuổi trẻ TP.HCM. Một số di vật và hơn 20 đầu sách về Đại tướng cũng được trưng bày bên cạnh đài tưởng niệm để người dân TP dễ dàng tìm hiểu. Cùng với đó, hơn 10 bàn ghi lời cảm tưởng với giấy trắng in di ảnh Đại tướng cũng được để phía trước không gian tưởng niệm.
Không gian tưởng niệm được thiết kế trang nghiêm với hai gam màu đen, trắng. Thêm vào đó, hai dải lụa trắng, thảm đỏ phía trước di ảnh của Người cũng bày tỏ cảm xúc của người dân TP với sự ra đi của vị anh hùng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: ANH PHÚ
Chỉ hơn 2 giờ đồng hồ sau khi không gian tưởng niệm chính thức mở cửa đã có gần 300 lời chia sẻ cảm xúc về sự ra đi của Đại tướng. Không gian tưởng niệm sẽ lưu, mở cửa tự do cho mọi người dân từ chiều 11 đến hết ngày 13-10 tới.
ANH PHÚ
Kỷ vật trong dòng người đưa tiễn
Những ngày qua, trong dòng người tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, không chỉ có nén nhang thơm hay những bông hoa tươi thắm mà còn có cả những kỷ vật, những kỷ niệm.
Gia đình anh Nguyễn Hiệp Hòa mang đến những bức ảnh, cùng huân chương Kháng chiến hạng Ba của bố anh do chính Đại tướng ký trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh xúc động: “Bố mẹ tôi đều là chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đây là những bức ảnh mà Bác đã chụp với bố tôi, hôm nay mang theo đây để thay mặt bố mẹ tôi coi như là vĩnh biệt Bác”.
Gia đình anh Nguyễn Hiệp Hòa mang đến những bức ảnh cùng huân chương Kháng chiến hạng Ba của bố anh do chính Đại tướng ký. Ảnh: CT
Ông Vũ Tự Cường, cựu chiến binh quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, mang đến bức ảnh được chụp cùng Đại tướng năm 2001. Hôm đó, ông được sắp xếp gặp Đại tướng để kính biếu cuốn sách của cha mình là liệt sĩ Vũ Bội Liêu: “Cụ Giáp ngày xưa dạy cùng trường với bố tôi, thế nên tôi đến xin tặng cụ cuốn sách. Đại tướng lật trang đầu tiên thấy ảnh của bố tôi và cụ thốt lên luôn: “Anh Liêu ơi anh Liêu!”. Đại tướng hỏi tôi có mấy con. Tôi thưa cháu chỉ có một thôi ạ. Đại tướng dặn về bảo với nó là ông bảo là học giỏi vào nhớ. Vợ tôi cảm động quá ôm chầm lấy Đại tướng, tôi đứng cạnh rất sợ làm phiền Đại tướng nên kéo vợ tôi ra. Cuộc gặp ngắn ngủi ấy mãi mãi ở trong tâm trí vợ chồng tôi”.
Trong dòng người viếng thăm gia đình Đại tướng người mang theo hoa, người mang theo kỷ vật, người thì mang theo kỷ niệm như muốn kể lại với Bác.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễviếng và dự theo dõi lễ truy điệu Đại tướng tại hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đường Hùng Vương, xã Hòa Long, TP Bà Rịa). Thời gian tổ chức lễ viếng từ 7 giờ đến hết ngày 12-10; thời gian dự theo dõi lễ truy điệu từ 7 giờ ngày 13-10. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh có tâm nguyện có thể đến thắp nhang và cùng dự theo dõi lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây. T.KHÁNH Tại Ninh Thuận, chiều 11-10, Công an tỉnh Ninh Thuận lập bàn thờ và tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại hội trường công an tỉnh. Lễ viếng Đại tướng cũng diễn ra tại công an bảy huyện, thành phố. Việc khai mạc giải bóng đá U-21 quốc tế báo Thanh Niên lần thứ 7 sẽ lùi lại một ngày. Hai trận thi đấu ngày 12-10 sẽ dời vào chiều 13-10 sau khi kết thúc hai ngày quốc tang. MINH TRÂN |