Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý của người dân và giới truyền thông. Bởi đó là lần đầu tiên trong lịch sử, một thị trấn của Mỹ thuộc về người Việt Nam chính gốc.
Khi đó không ít lời bàn tán, thắc mắc đặt ra vì ông Nguyên không tiết lộ mục đích mua thị trấn Mỹ của mình là gì. Sau một năm khá yên ắng, cuối tháng 7-2013, câu chuyện “mua thị trấn Mỹ” lại được nhiều tờ báo, đài truyền hình lớn của Việt Nam và Mỹ đưa tin.
Ông Phạm Đình Nguyên (trái) với kế hoạch mang cà phê Việt đến đất Mỹ.
Cụ thể, ông Nguyên công bố đổi tên thị trấn này thành PhinDeli. Tên gọi này xuất phát từ tên của một thương hiệu cà phê mà chính vị thị trưởng này sở hữu. Ông Nguyên cũng tiết lộ sắp tới đây, mọi du khách đi ngang qua thị trấn này sẽ được thưởng thức cà phê miễn phí. “Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế của cà phê Việt Nam còn rất khiêm tốn. Có một thị trấn cà phê như PhinDeli sẽ là một cơ hội cho cà phê Việt vinh danh trên bản đồ thế giới” - ông Nguyên chia sẻ. Theo kế hoạch, lễ đổi tên thị trấn được tổ chức tại Buford vào đầu tháng 9-2013. Dự kiến thống đốc bang Wyoming là Matt Mead sẽ là khách danh dự, chính thức khai trương thị trấn.
Tuy nhiên, việc đổi tên cũng đặt ra những thách thức về mặt pháp lý cũng như phản ứng sốc của người địa phương khi thị trấn này có bề dày 147 năm lịch sử. Theo các chuyên gia, Buford không phải là đơn vị hành chính chính thức. Trước đây, Buford đã từng là thị trấn với gần 2.000 cư dân là những công nhân xây dựng đường sắt và nó cũng có mã vùng riêng. Sau khi tuyến đường sắt xuyên lục địa xây xong thì công nhân cũng không còn ở đó nữa. Vì vậy tên gọi hiện nay thị trấn này chỉ còn mang tính chất lịch sử.
MINH TÚ