Cá tra Việt có nên kiện Mỹ?

Để xuất khẩu cá tra vào thị trường nước này phải chứng minh được quy trình nuôi trồng, chế biến tại Việt Nam tương đồng với quy trình của nước sở tại - nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên xem xét kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề này, luật sư Ngô Quang Thụy, người có nhiều năm kinh nghiệm đại diện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các vụ kiện thương mại tại Mỹ, lưu ý nếu quyết định kiện thì Việt Nam cần có luật sư có nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện ra WTO thành công để giúp Việt Nam phân tích và tư vấn chiến lược. Đồng thời, Việt Nam cần đánh giá xem việc áp dụng quy định mới của USDA có thỏa mãn các điều kiện cho phép trong hiệp định về các biện pháp kiểm định động thực vật (SPS) của WTO hay không.

Cụ thể, việc kiểm soát khắt khe nhập khẩu cá tra vào Mỹ là có cơ sở khoa học để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, hay đó chỉ là một biện pháp bảo hộ “trá hình” nhằm ngăn cản thương mại; việc USDA chỉ mới ban hành quy định mới này thì có đủ cơ sở để Việt Nam khởi kiện ra WTO hay phải chờ đến khi USDA không công nhận cấp tiêu chuẩn tương đương cho Việt Nam và không cho nhập cá tra vào Mỹ thì khi đó Việt Nam mới khởi kiện ra WTO được.

“Theo tôi, Việt Nam cần thực hiện song song cả hai bước trên. Tức là vừa chứng minh tính tương đồng trong tiêu chuẩn với Mỹ, vừa chuẩn bị kiện ra WTO” - luật sư Thụy nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc nhập khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ. Bởi chương trình kiểm soát cá da trơn mỗi năm sẽ tiêu tốn khoảng 14 triệu USD, điều này sẽ làm người dân Mỹ và nhiều cơ quan, tổ chức ở nước này phản đối.

“Thêm vào đó, họ cũng sẽ bị thiệt hại nếu Việt Nam kiện ra WTO và được cơ quan này cho phép áp dụng các rào cản kỹ thuật tương tự đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ khi nhập vào Việt Nam” - ông Thụy khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới