Theo đó, USDA sẽ tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước (hầu hết từ Việt Nam) nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tương đồng.
Ngày 8-12, tại buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề trên, luật sư Ngô Quang Thụy, người đại diện cho DN thủy sản Việt Nam trong các vụ kiện thương mại ở Mỹ, cho rằng: “Tính tương đồng ở đây không phải bắt buộc Việt Nam giống y đúc Mỹ mà cơ bản đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn như Mỹ. Ví dụ, quy định về vận chuyển, ở Mỹ vận chuyển cá tra sống bằng xe tải có bình sục khí để đảm bảo cá tra còn sống khi vào nhà máy chế biến. Còn Việt Nam lại chở cá tra về nhà máy chủ yếu bằng ghe, nếu các DN đầu tư các thùng chứa trên ghe, có bình sục, nước sạch thì Mỹ cũng sẽ công nhận” - luật sư Thụy lý giải.
Ông Thụy cũng cho rằng quy định mới của Mỹ vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho cá tra Việt Nam. Nếu cá tra Việt được công nhận tương đồng với các tiêu chuẩn sản xuất cá da trơn ở Mỹ thì vị thế, uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ được nâng cao trên thị trường thế giới. Từ đó DN thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, khai thác thị trường mới.