Bệnh nhi là VHNY (năm tháng tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM), cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, xuất huyết trên da, nôn ói, da tím tái và nhiễm trùng máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis (khuẩn mô cầu) gây viêm não mô cầu, một loại truyền nhiễm cấp. Các bác sĩ của BV đã tiến hành điều trị khẩn cấp nhưng bé không qua khỏi.
Tử vong trong vòng 24 giờ
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đây là ca đầu tiên phát hiện bị bệnh viêm não mô cầu từ đầu năm 2016 đến nay và cũng là trường hợp tử vong đầu tiên do vi khuẩn Neisseria meningitidis tại TP.HCM. Sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp này, trung tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan gấp rút triển khai các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý dịch.
Trước đó, năm 2015, một thai phụ 22 tuổi ở TP.HCM cũng tử vong do mắc bệnh viêm não mô cầu. Nhiều ca viêm não mô cầu khác cũng được phát hiện rải rác ở Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Gia Lai, Hải Dương trong năm 2015 và đầu năm 2016.
Viêm não mô cầu rất dễ lây nhiễm, cần cách ly và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ảnh minh họa: HÀ PHƯỢNG
Theo BS Dũng, nhiễm khuẩn Neisseria meningitidis thường gặp ở trẻ em từ hai tuổi trở lên nhưng trẻ dưới hai tuổi cũng có thể bị nhiễm. Trẻ em mắc bệnh này thường bị viêm màng não, triệu chứng cũng giống viêm màng não khác, trẻ bị sốt, nhức đầu, nôn ói và có những biểu hiện ở thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám, đầu trẻ sẽ có dấu hiệu là hóp một phần, không cúi xuống được, trong y khoa gọi là cổ gượng hay cứng gáy.
“Đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên” - BS Dũng cho biết.
Dễ lây nhiễm qua đường hô hấp
TS-BS Nguyễn Huy Luân, phụ trách phòng khám nhi BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh có hai hội chứng chính là nhiễm trùng và viêm màng não. Biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau bụng, gan lách to,… Hội chứng viêm màng não thì tùy theo độ tuổi: Trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện thóp phồng ở đầu; trẻ lớn hơn thì triệu chứng rõ hơn như cứng gáy…
Nguyên nhân bệnh bùng phát thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên gây nên tình trạng nhiễm trùng, nơi cư trú có trẻ bị bệnh sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi… Viêm màng não gây ra nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não gây tổn thương thần kinh trung ương. Những biến chứng khác như áp xe trong não, tình trạng nhiễm trùng có thể lan toàn bộ cơ thể, gây ra bệnh nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Khi có biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần tránh cho trẻ ở nơi đông người, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh lây nhiễm môi trường xung quanh như khi trẻ ho phải sử dụng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Những khu vực đã có trẻ bị viêm não thì phải khuyến cáo, đề phòng cho người xung quanh biết. Nếu phát hiện trẻ bị sốt cao, bứt rứt, ói liên tục và đặc biệt nếu trẻ lớn bị nhức đầu kèm ói, đó là những biểu hiện tình trạng tổn thương đến thần kinh, cần đưa trẻ đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Chủ động ngừa bệnh bằng vaccine Cách phòng ngừa viêm não mô cầu đơn giản và hữu hiệu nhất là tiêm ngừa vaccine. Hiện tại đã có vaccine ngừa viêm màng não do mô cầu. Não mô cầu thường có 3 type thường hay bị bệnh là A, B, C. Ở Việt Nam, loại thường gây bệnh là B và C chiếm đa số, loại A hiếm gặp. Ở Việt Nam đã có 2 loại vaccine ngừa não mô cầu là AC và BC. Loại BC được tiêm ngừa cho trẻ từ 3 tháng trở lên. Loại AC thì dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên… TS.BS Nguyễn Huy Luân – Phụ trách phòng khám Nhi Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM Viêm não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Chỉ cần dính một chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể lây nhiễm. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm. PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |