Cả xóm Lẫm cưu mang một người điên

May thay, ở xóm Lẫm đầy tình người, bà Sòng được cưu mang suốt 24 năm ròng rã.

Tuổi thơ bất hạnh

Những ngày cận Tết, tiết trời miền trung mưa phùn se lạnh, chúng tôi men theo con đường huyện về xã Tạm Thạnh – nơi bà Sòng được cả xóm cưu mang. Dừng hỏi bên quán tạp hoá hỏi đường, thật bất ngờ, nhắc đến bà Sòng ai cũng biết.

“Bà Sòng bị bệnh tâm thần, mà không có người thân, không nơi nương tựa. Dân xóm Lẫm họ chia nhau cơm bưng, nước rót, chăm sóc mấy chục năm nay rồi!”, người phụ nữ bán tạp hoá bên đường nói.

Đi về hướng người dân chỉ đường một đoạn, hỏi từng chút để tìm đến nhà bà Sòng, người dân giới thiệu cho số điện thoại ông Ngô Quang Vinh (ngụ xóm Lẫm). Bởi, ông là người đặt nét bút đầu tiên viết nên câu chuyện cổ tích ở xóm Lẫm đầy tình người. Theo chân ông Vinh, đi qua nhiều đoạn đường đầy ổ gà, ngã rẽ, cuối cùng cũng đến nhà bà Sòng.

Góc bình yên, ấm áp của bà Sòng từ nhiều năm nay. Ảnh: THANH NHẬT 

“Bà Sòng lớn hơn tôi 12 tuổi, nhưng tôi là người ở cùng xóm với bà từ thưở nhỏ, cùng gia đình bà vào Nam rồi cùng trên chuyến xe hồi hương. Tôi biết rõ hoàn cảnh của bà. Tội lắm chú, cả xóm lo cho bà chứ bà biết nương tựa vào ai đâu?!”, ông Vinh giới thiệu.

Ông Vinh kể tiếp, cha mẹ bà bà Sòng là người gốc ở xóm Lẫm. Hai vợ chồng có với nhau hai người con gái, bà Sòng là con thứ, mồ côi mẹ rất sớm. Tuổi thơ bất hạnh của hai chị em bà Sòng nương tựa vào đôi vai của cha. Năm 1972, ba cha con Nam tiến về vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu tìm kế sinh nhai.

Phát điên vì tai họa liên tiếp 

Vài năm sau, ngày đất nước thống nhất, cuộc sống khó khăn, bà Sòng theo cha hồi hương và bắt đầu khai hoang, lập nghiệp ở xóm Lẫm, còn người chị thì theo chồng ở lại trong Nam. Hai cha con bà Sòng về nơi chôn nhau cắt rốn mang theo hi vọng cuộc sống sẽ bớt phần nhọc nhằn.

Mọi thứ dần đi vào nề nếp, bà đem lòng yêu người đàn ông cùng huyện. Tuổi thơ bất hạnh tưởng chừng sẽ lùi lại nhường chỗ cho cuộc hôn nhân đầy hứa hẹn. Nghiệt ngã thay, chàng trai bà hết mực yêu thương bất ngờ qua đời trước lúc tổ chức lễ cưới chỉ vài ngày. Dẫu mới làm lễ hỏi nhưng bà quyết định giữ tiết hạnh với người đàn ông đã khuất. Bà Sòng sống một mình, dành cả thanh xuân chăm sóc người cha già, sức kiệt.

“Hồi còn trẻ, bà Sòng xinh đẹp nức tiếng. Sau biến cố ấy, tính tình bà bắt đầu có sự thay đổi. Nhiều người ngỏ ý muốn cưới bà làm vợ nhưng bà nhất quyết không đồng ý, có lẽ do số phận. Người xưa có câu “hồng nhan, bạc phận”, với bà Sòng quả không sai”, ông Vinh suy ngẫm.

Năm 1992, tai hoạ thêm lần nữa ập đến, cha bà - người thân duy nhất bên cạnh cũng ngã bệnh nặng rồi qua đời. Vài người thân ít ỏi lần lượt rời xa, bà phát bệnh. Lúc tỉnh, lúc say nhưng hoàn cảnh không cho bà lựa chọn. Bà Sòng đi làm thuê khắp nơi, ai kêu chi làm nấy để mong kiếm cơm qua ngày.

Sáu năm sống trong sự cô đơn, đau khổ. Một ngày nọ, người dân xóm Lẫm không còn thấy người phụ nữ điên ấy đâu nữa, bà cũng không đến nhà ông Vinh lấy gạo nấu cơm như mọi khi. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, ông Vinh tìm đến nhà bà Sòng thì phát hiện người phụ nữ điên đã nằm liệt giường, người không còn sức sống.

Bà Sòng được những người dân trong xóm Lẫm thường xuyên ghé thăm. Ảnh: THANH NHẬT 

“Mấy ngày liền ngã bệnh nhưng không được ăn uống, chăm sóc. Bà Sòng thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường cho đến khi tôi phát hiện. Nhưng hồi đó khổ, không có tiền lo thuốc men, mỗi khi nhà nấu cơm tôi vắt nước cho bà uống lấy sức. Mấy tháng liền bà Sòng chỉ ăn cháo, sức khoẻ cũng khá dần”, ông Vinh kể.

Câu chuyện cổ tích về tình người 

Giữ được mạng sống nhưng hai chân co rút, bệnh tâm thần lại càng thêm nặng, bà Sòng điên nhiều hơn tỉnh. Khi lên cơn, bà lê lết khắp sàn nhà, đập phá mọi thứ có thể cho đến khi trong nhà không còn gì để đập. Vừa chăm người liệt, vừa lo người điên, còn phải gánh thêm việc gia đình, hai vợ chồng ông Vinh có lúc thoáng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

“Ngày đó mẹ tôi cũng hay đau ốm, trong khi cuộc sống không mấy khá giả lại còn nuôi hai con nhỏ. Tôi dự liệu sẽ không lo được cho bà Sòng lâu dài nên mới bàn bạc với cả xóm tìm cách giúp đỡ bà Sòng”, ông Vinh nhớ lại.

Cuộc họp có mặt đông đủ hầu hết đại diện các gia đình xóm Lẫm. Mọi người đồng ý chia sẻ khó khăn, nhận cưu mang bà Sòng. Họ thống nhất chia nhau lo cơm nước, hết gia đình này đến gia đình khác, mỗi gia đình lo một ngày, chuyện vệ sinh, giặt dữ nhờ phụ nữ quanh xóm, xoay vòng thấm thoát cũng đã 24 năm.

Trên đường đến tiếp tế, chăm lo cho bà Sòng. Ảnh: THANH NHẬT 

Sau cuộc họp, bà Sòng sống trong sự yêu thương của người dân xóm Lẫm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Sòng được hàng xóm quan tâm, cơm bưng nước rót không sót ngày nào. Để không quên phiên mang cơm, gia đình này lo xong ngày sẽ đến nhắc gia đình tiếp theo chuẩn bị đến lượt.

Những năm trước, bà Sòng sống một mình trong căn nhà chừng 20 m2, nền nhà bị đập nát. Khi căn nhà cũ xuống cấp, người dân xóm Lẫm cùng chính quyền địa phương huy động mạnh thường quân khuyên góp kinh phí, công sức xây nhà mới cho bà. Căn nhà mới bên cạnh cũng chỉ để lọt hai chiếc giường, sàn nhà đổ bê tông kiên cố phòng bà lên cơn lại đập phá.

“Mạnh thường quân ủng hộ, mọi người bỏ công sức phụ xây nhà cho bà Sòng. Chúng tôi không xây nhà to, thay vào đó chỉ xây nhỏ, đổ nền thật chắc chắn phòng bà lên cơn đập phá. Tiền còn dư, tôi kêu gọi bà con chung sức xây mộ cho cha mẹ bà”, ông Vinh nói.

Tự nguyện chăm lo người điên đến cuối đời

Hôm chúng tôi đến nhà, bà Sòng đang trong cơn điên. Bà nằm co ro trên chiếc giường sắt đặt trong ngôi nhà nhỏ. Chán giường sắt bà chuyển sang giường gỗ, miệng liên tục nói, hát nhưng không ai hiểu gì. Thỉnh thoảng, trong cơn điên bà nhắc tên người chồng xấu số, đó là từ duy nhất mọi người hiểu được.

Đi bộ từ con hẻm đầu đường về nhà, trên tay một bao thức ăn tươi sống và một ổ bánh mì. Nghe tiếng ồn từ nhà bà Sòng, bà Phạm Thị Vị (81 tuổi, ngụ xóm Lẫm) ghé thăm người em điên dại mà bà xem như em gái. Bà Vị giỗ bà Sòng ngồi dậy, bớt nói. Đưa cho bà Sòng ổ bánh mì rồi bà Vị nhắc lại chuyện nhiều năm trước.

“Em nhớ không? Ngày trước hai chị em cùng đi hái chè, chăn trâu rồi ngủ lại nhà chị. Chừ đừng nói nữa, ăn đi, tối chị qua nhà em ngủ nghe!”, bà Vị nhắn người em. Người nói, người cười, cuộc trò chuyện giữa hai người nhưng chỉ có một người hiểu. Có lúc, cả hai bật cười, rồi người điên cũng xúc động ứa nước mắt.

“Đó, chắc là nhắc chuyện chi nhớ lại bà xúc động rồi”, ông Vinh chỉ tay về hướng bà Sòng lúc hai chị em nói chuyện. Ông Vinh kể tiếp, bà Sòng lên cơn điên không một ai trong xóm khuyên được. Nhưng khi tỉnh, bà biết mọi người trong xóm yêu thương, chăm lo cho mình, bà sống tình cảm, luôn cảm ơn mỗi khi có người mang cơm đến.

Chạy chiếc xe cà tàng, lỉnh khỉnh đồ đạc, bà Phan Thị Kim Hoa (57 tuổi, ngụ xóm Lẫm) – làm nghề buôn bán rau, củ dạo. Bà Hoa ghé nhà bà Sòng mang theo cơm, nước. “Hôm nay đến phiên tôi, tranh thủ ghé mang cơm sang rồi đi bán tiếp. Mang qua sớm, để đó khi nào bà đói thì ăn chứ trễ bà đói, tội nghiệp”, bà Hoa nói.

ổ bánh mì, bát cơm làm ấm lòng bà Sòng. Ảnh: THANH NHẬT 

Cơm nóng, nước sôi đầy đủ nhưng bà Sòng không ăn. Bà vẫn cứ nói, hát liên tục. Mãi một hồi sau mới ăn cho có, rồi lại lên giường nằm. Giữa trưa, bà Hoa quay lại tiếp công việc rửa chén, dọn dẹp nhà cửa giúp bà Sòng.

Bà Hoa chia sẻ, xóm Lẫm không mấy ai khá giả, người có điều kiện lắm cũng chỉ vài héc-ta keo, vài sào ruộng nhưng sống với nhau chan chứa tình người. 24 năm qua, bà Sòng được mọi người chăm lo không sót ngày nào. Có lúc, chính quyền địa phương nhận thấy khó khăn của bà con xóm Lẫm đã có ý đưa bà Sòng đến bệnh viện tâm thần, nhưng không được đồng ý.

“Họ nói sẽ chuyển bà Sòng đến bệnh viện tâm thần nhưng không ai chịu. Bà ở đây quen rồi, vào đó cô đơn, trống trải tội cho bà. Mấy chục năm nay chúng tôi chia nhau lo được. Bà ngần ấy tuổi rồi, còn bao năm nữa đâu. Dân xóm Lẫm sẽ chia nhau chăm bà đến cuối đời”, bà Hoa nói.

Người chị ruột của bà Sòng lập gia đình ở xa, cuộc sống khó khăn. Vài năm, người chị mới về quê thăm em gái một lần. Lúc điên thì chị nhận ra em, còn em chẳng biết chị là ai. Mấy năm nay, vì tuổi cao sức yếu nên chị gái chưa về thăm bà Sòng.

Ông Vinh kể, có lần gia đình người chị về thăm lúc bà Sòng tỉnh táo. Hai chị em ôm nhau khóc thút thít. Người chị bày tỏ ý định đưa bà Sòng vào Nam chăm sóc nhưng người dân xóm Lẫm thấy gia đình bà ấy khó khăn, lại không đủ điều kiện nên khuyên bảo họ để bà Sòng ở lại đây.

“Bà Sòng tuổi cao, ở nhờ nhà con cái. Người chị muốn đưa vào đó chăm sóc nhưng chúng tôi không chịu, một phần bà Sòng cũng không ưng ý. Thà rằng vào đó ở với chị gái sướng hơn ở đây thì chúng tôi đồng ý ngay, nhưng họ cũng khổ quá. Để bà ở đây, xóm Lẫm không giàu có gì nhưng chưa một ngày bà Sòng thiếu đói, chúng tôi ăn gì thì bà ăn nấy”, ông Vinh nói.

Số bà Sòng bất hạnh, bà không có lựa chọn đã đành. Nhưng, người dân xóm Lẫm, họ có nhiều lựa chọn. Họ đồng ý để chính quyền gửi bà Sòng vào bệnh viện tâm thần, hay giao cho người thân chăm sóc sẽ đỡ bớt mối lo toan. Có chứng kiến mới thấy, họ sống ở xóm Lẫm, yêu thương nhau vô điều kiện dù là người dưng.

“Bà Sòng sống ở đây quen rồi, người thân duy nhất lại ở xa. Khi bà mất, chúng tôi tính sẽ lo hậu sự chu đáo, ngôi nhà bà đang ở sẽ là nơi thờ phụng sau này”, ông Vinh toan tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm