Chiều 31-3, Sở GTVT TP.HCM cùng sở GTVT ở nhiều địa phương đã có những động thái tích cực bằng việc ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM: Các bến xe đóng cửa 15 ngày
Chiều 31-3, Sở GTVT TP.HCM gửi văn bản khẩn đến các đơn vị có liên quan về việc tổ chức vận tải hành khách đường bộ trong thời gian có dịch COVID-19.
Cụ thể, Sở GTVT sẽ tạm ngừng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động trên địa bàn TP trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1-4. Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm…
Sở GTVT giao Thanh tra Sở GTVT chủ động và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm theo chỉ đạo này.
Theo ghi nhận chiều 31-3 tại hai bến xe (BX) Miền Tây và Miền Đông (TP.HCM), hầu hết hãng xe đã ngưng hoạt động.
Tại cả hai bến, nhiều quầy vé đã vắng bóng nhân viên bán vé, khu vực bến bãi, lượng xe khách trong bãi đã vơi dần, một số băng ghế dài đã được thu gọn lại.
Đại diện BX Miền Đông cho biết BX sẽ thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Sở GTVT TP triển khai thực hiện tạm ngưng các tuyến cố định trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4.
Tương tự, đại diện BX Miền Tây cho hay BX cũng thực hiện nghiêm các chỉ thị của cơ quan, ban ngành. Từ ngày 1 đến 15-4, bến sẽ không còn chuyến xe nào hoạt động. BX sẽ không cấp lệnh xuất bến, không cho phép doanh nghiệp vận tải bán vé và sẽ dừng tất cả hoạt động trong bến.
Đại diện hai BX Miền Đông và Miền Tây đều cho rằng việc thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng là việc hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Trong thời gian này, người dân nên hạn chế ra đường.
Nếu trong thời gian bến tạm ngưng hoạt động, người dân có nhu cầu đi lại nên theo các hướng dẫn, quy định của các cơ quan, ban ngành. Còn các BX vẫn sẽ thực hiện theo quy định các cấp ban hành nên không thể làm khác.
Quầy bán vé ở Bến xe Miền Tây (TP.HCM) lúc chiều tối 31-3 đã được đóng cửa. Ảnh: THU TRINH
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam lập chốt kiểm tra tại các lối ra vào địa bàn tỉnh. Ảnh: THANH NHẬT
Miền Trung: Ngưng hoạt động vận tải khách
Tại Thừa Thiên-Huế: Chiều 31-3, Sở GTVT tỉnh này có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 1-4, tất cả phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh (tất cả tuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe điện…) không được phép tham gia vận chuyển hành khách. Trừ một số trường hợp đặc biệt như xe được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hợp đồng, điều động, làm nhiệm vụ vận chuyển.
Tại Đà Nẵng: Chiều cùng ngày, UBND TP cũng ra văn bản tương tự. Theo đó, TP đồng ý chủ trương dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các BX khách trên địa bàn TP.
Đà Nẵng cũng dừng hoạt động kinh doanh vận tải khách xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển, xe nội bộ trên địa bàn TP (trừ các trường hợp đặc biệt như xe cung cấp lương thực, đưa rước công nhân…).
Đà Nẵng cũng dừng toàn bộ hoạt động xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam, Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế và ngược lại.
Trao đổi với PV chiều 31-3, bà Phan Thị Ngọc Lan, Giám đốc Xí nghiệp BX trung tâm Đà Nẵng, cho hay đơn vị sẽ đóng cửa từ 0 giờ ngày 1-4 theo đúng chỉ đạo của Sở GTVT.
“Xe nào đang hành trình về bến thì mình mở cửa cho họ vào rồi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như chỉ đạo của TP. Còn sau 0 giờ thì 100% xe không được cấp lệnh xuất bến nữa” - bà Lan nói.
Tại Quảng Nam: Ngày 31-3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký quyết định thành lập tám chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Vị trí tám chốt này được lập ở các điểm cửa ngõ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát y tế đối với người vào địa bàn tỉnh trên các phương tiện giao thông.
Cùng ngày, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho hay đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ông Sinh yêu cầu các đơn vị tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, taxi trong vòng 15 ngày (kể từ 0 giờ ngày 1-4).
Dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có văn bản hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam (chiều 31-3). Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ thông báo đến tất cả hãng hàng không về việc dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, lệnh trên không áp dụng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng. Ngoài ra, lệnh trên cũng không áp dụng đối với các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Thời điểm áp dụng quy định này bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4 đến hết 15-4. |
Miền Nam: Tạm dừng vận tải khách đường bộ, thủy
Tại Cần Thơ: Chiều 31-3, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, đã ký văn bản về việc tạm dừng các hoạt động vận tải trên địa bàn.
Theo đó, tất cả phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển và taxi tạm dừng hoạt động kể từ 0 giờ ngày 1-4 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Cạnh đó, tất cả bến đò khách ngang sông trên địa bàn thành phố cũng phải tạm dừng hoạt động.
Tại Đồng Tháp: Chiều 31-3, trao đổi với pv, ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh đồng tháp, cho biết sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, sở đã có văn bản trình UBND chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động của tất cả phương tiện vận chuyển công cộng.
“Cụ thể, tạm dừng hoạt động các tuyến xe cố định đi liên tỉnh, xe hợp đồng, xe buýt và các bến khách sang sông. Trường hợp đặc biệt, người dân báo ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định” - ông Quang nói.
Tại An Giang: Ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh an giang, cũng cho hay sở sẽ thực hiện nghiêm chỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Ngành giao thông tỉnh cũng nghiêm chỉnh thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp đặc biệt người dân cần đi lại, ngành chức năng sẽ xem xét, giải quyết theo quy định”.
Tại Bình Dương: Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, cũng có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi, vận tải hành khách theo tuyến cố định; vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng du lịch. Đồng thời, dừng hoạt động dịch vụ vận tải theo hình thức xe ôm bên trong và bên ngoài các BX khách và các hoạt động vận tải hành khách của các bến đò ngang sông.
Đề nghị dừng vận tải khách liên tỉnh Chiều 31-3, Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ yêu cầu Bộ GTVT thực hiện dừng hoạt động vận chuyển của các chuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh. Đồng thời, dừng các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi của các tỉnh, thành phố cả nước trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4… Ngoài ra, tổng cục cũng yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi, Hiệp hội BX tại các địa phương tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị BX thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các hãng hàng không hoạt động xen kẽ Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản yêu cầu các hãng hàng không hạn chế hơn nữa các chuyến bay nội địa. Theo đó, từ ngày 1-4, các hãng hàng không chỉ được phép khai thác trên ba đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng. Trong đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM chỉ còn hai chuyến bay/ngày. Ngày lẻ do Bamboo Airways và Jetstar Pacific khai thác, ngày chẵn do Vietnam Airlines và VietJet Air đảm nhận. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng sẽ do Vietnam Airlines và VietJet khai thác đan xen. |