Các chủ đầu tư nói về báo cáo Sơn Trà

Ngày 6-9, trao đổi xung quanh báo cáo về Sơn Trà của Đà Nẵng gửi Thủ tướng (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo ngày 6-9), ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết: “Theo nguyên tắc khi Thủ tướng chưa có ý kiến thì địa phương chưa thể nói gì thêm”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết ông chưa hài lòng với một số nội dung trong báo cáo.

Điều chỉnh bình độ 100 m chưa ăn thua

Theo ông Vinh, một số nội dung trong báo cáo còn chung chung, chưa rõ. Việc hạ bình độ của các dự án xuống còn 100 m còn mang cảm tính. Các nhà khoa học đều khẳng định sự đa dạng sinh học có ở bình độ từ 0 trở lên, tức là ngay từ chân núi, sát mép biển đã có rồi.

“Vậy con số 100 m có nghĩa là gì? Căn cứ vào đâu để TP đưa ra con số đó?” - ông Vinh đặt vấn đề. Ông Vinh cũng cho hay nội dung về an ninh quốc phòng cũng còn rất chung chung. Điều mà dư luận muốn biết là Đà Nẵng sẽ xử lý thế nào với một số dự án đã cấp phép nằm ngay sát cảng quân sự Tiên Sa. Liệu rằng khi có những tình huống khẩn cấp về an ninh quốc phòng, các tàu quân sự có thể hoạt động bình thường hay không? Các dự án nằm sát khu quân sự và ở độ cao cao hơn thì chúng ta có bị khống chế không?

“Tôi cho rằng những đề xuất của TP hầu như muốn chuyển hết trách nhiệm về cho Thủ tướng” - ông Vinh nhận định.

Chuyên gia linh trưởng Vũ Ngọc Thành, khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) kiêm Giám đốc Quỹ Bảo tồn voọc chà vá (Douc Langur Foundation, Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho hay ở độ cao khoảng 200 m trở xuống tại Sơn Trà là bãi ăn hết sức cần thiết cho đàn voọc cũng như đa dạng sinh học của bán đảo này.

“Cho nên trước đây quy định quy hoạch xây dựng từ bình độ 200 m trở xuống mà giờ đây điều chỉnh xuống bình độ 100 m thì nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt bảo tồn, cư trú của đàn voọc cả. Toàn bộ bãi ăn, thức ăn của voọc là từ mép biển cho đến 200 m, bây giờ lấy từ 100 m trở xuống vẫn không giải quyết được vấn đề” - ông Thành nói.

Một góc bán đảo Sơn Trà, nơi có dự án khiến dư luận lên tiếng suốt thời gian qua tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRI

Doanh nghiệp hoang mang

Ông Nguyễn Vọng, chủ đầu tư dự án khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm Sơn Trà, cho biết sau khi được cấp quyết định và hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất vào năm 2003, ông đã xây dựng khu du lịch sinh thái đúng tinh thần dự án và đã đi vào hoạt động cho đến nay. Riêng Khu du lịch Biển Đông mở rộng của ông cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho nhà nước. Trong khi đang chuẩn bị giai đoạn 2 thì dự án phải dừng vì những dư luận về Sơn Trà.

Ông Vọng kiến nghị hiện hai dự án của ông đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đề nghị TP chỉ đạo cấp giấy chứng nhận để đủ cơ sở pháp lý đầu tư bền vững.

Ông Mai Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn, đơn vị chủ đầu tư dự án Khu du lịch Bãi Trẹm - Mercure Sơn Trà, cho biết doanh nghiệp rất lo lắng về tương lai dự án mà doanh nghiệp đã tâm huyết đầu tư suốt 11 năm qua. Chưa nói về mặt công sức, thiệt hại về kinh tế đối với doanh nghiệp là rất lớn, tổng chi phí đã đầu tư gần 100 tỉ đồng.

Ông Hà kiến nghị đối với các dự án đã được phê duyệt 1/500 và đã triển khai đầu tư như của doanh nghiệp ông thì đề nghị giữ nguyên quy hoạch đã được duyệt gồm khối khách sạn 127 phòng và 22 biệt thự nghỉ dưỡng. Giữ nguyên chức năng đất ở của dự án với thời gian sử dụng đất lâu dài và diện tích là trên 14.871 m2 do đã thực hiện hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất một lần.

“Kiến nghị Chính phủ xem xét không hồi tố và thay đổi quyết định đã phê duyệt nhằm tạo lòng tin, môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung” - ông Hà nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Mũi Nghê, cũng cho rằng với việc điều chỉnh quy mô và diện tích đầu tư từ 60 ha với số lượng biệt thự 178 căn cắt giảm xuống còn 45,28 ha và chỉ còn 60 căn biệt thự thì gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

“Đề nghị xem xét cho phép chúng tôi được đầu tư số lượng phòng tỉ lệ tương ứng với tỉ lệ trước đây là 150 biệt thự để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp” - ông Long đề đạt.

Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục làm các dự án

Công ty CP Sơn Trà kiến nghị được tiếp tục triển khai hạng mục công trình khách sạn trong dự án với chiều cao tối đa không quá sáu tầng theo đúng chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt. Bởi đây là công trình có ý nghĩa sống còn đối với uy tín, thương hiệu và hiệu quả kinh tế dự án của nhà đầu tư.

Công ty CP Biển Tiên Sa lo lắng khi TP cho biết sẽ không cho phép chủ đầu tư bán biệt thự mà phải chuyển đổi đất sử dụng lâu dài sang đất kinh doanh dịch vụ có thời hạn thuê 50 năm.

Công ty này kiến nghị xem xét cho phép công ty tiếp tục triển khai dự án mở rộng Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 dự án với ranh giới thực hiện từ cốt 100 m trở xuống. Diện tích còn lại dự án mở rộng giảm từ 142,1 ha xuống 65,26 ha.

Có sự cầu thị, tiếp thu

Một kiến trúc sư đang làm việc tại Đà Nẵng nhìn nhận bản báo cáo của TP rất đáng hoan nghênh và thể hiện được sự cầu thị, tiếp thu của lãnh đạo TP trước dư luận. “Bản báo cáo đã nói rõ được các yêu cầu, nguyên tắc và tiêu chí khi đụng đến Sơn Trà, lá phổi xanh của TP. Đặc biệt, TP đã đưa bình độ xây dựng từ 200 m xuống 100 m. Việc cắt giảm, điều chỉnh quy mô các dự án mà những người tiền nhiệm trước đây đã phê duyệt là một sự dũng cảm. Quan điểm của TP Đà Nẵng trong bản báo cáo này cũng rất rõ ràng, đó là phát triển đi đôi với bảo tồn. Tôi nghĩ rằng lãnh đạo TP đã phải rất vất vả khi cho ra bản báo cáo này” - vị này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm