Các cơ quan tư pháp đã tham mưu xử lý nhiều điểm nghẽn

Ngày 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị, sáng 23-12. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020 công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm“Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” , bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương; đồng thời có các giải pháp ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19. 

Bộ, ngành tư pháp cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ tổng kết, tham gia tổng kết tình hình thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến và giáo dục pháp luật, công tác luật sư và hợp tác quốc tế về pháp luật.

Qua đó, đã tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các kết luận quan trọng, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá và bảo đảm khả thi để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác này trong thời gian tới.

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự (THADS) với các Sở, ngành tiếp tục được chú trọng, tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, những vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao...

Năm 2020, Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật khác, đưa tổng số văn bản đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này là 112…

Năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng kết quả công tác THADS đạt được rất đáng ghi nhận. Điểm nhấn trong năm 2020 là các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 15.000 tỉ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng (trong đó có trên 14.000 tỉ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, có nhiều báo cáo chuyên đề về công tác tư pháp đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận như xây dựng pháp luật, công tác phối hợp giữa các Bộ giải quyết điểm nghẽn về công tác tư pháp, những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính... 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Lai Châu, cho biết năm 2020 tỉnh Lai Châu đã hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Trong kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan tư pháp và cơ quan THADS tỉnh. Cơ quan tư pháp tỉnh đã tham mưu cho UBND xử lý các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài liên quan đến tái định cư. Riêng về công tác THADS, tỉnh Lai Châu đã đạt kết quả vượt cả về vụ việc và tiền so với năm trước…

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu một số kết quả nổi bật về công tác pháp chế của Bộ này. Bà cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan là Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Qua đó, hai Bộ đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Sắp tới, đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ quan trọng, do đó Thứ trưởng Bộ Nội vụ mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ và ngành tư pháp.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến (đầu cầu TP.HCM) sáng 23-12. Ảnh: N.Q

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chuyên đề phát huy vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo ông Châu, TP.HCM với vai trò quan trọng về kinh tế, đứng trước những cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng gặp không ít thách thức trong quá trình phát triển. UBND TP đã dành sự quan tâm rất lớn cho ngành tư pháp TP và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Sở Tư pháp nói riêng và của ngành tư pháp nói chung.

Trong năm 2020, với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, Sở Tư pháp không chỉ tham mưu đối với lĩnh vực tư pháp mà còn giúp lãnh đạo TP trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương. 

Cụ thể, trong công tác tư vấn pháp lý Sở Tư pháp đã tư vấn thành công gần 600 vụ việc cho Thành ủy, UBND TP, Sở/ngành cũng như UBND 24 quận huyện (tăng 40% so với năm 2019).

TP cũng đã xây dựng thành công Đề án Chính quyền đô thị tại TPHCM được Quốc hội thông qua ngày 16-11 và Đề án thành lập TP Thủ Đức, trong đó có vai trò tham mưu tích cực của Sở Tư pháp TP cũng như sự hỗ trợ rất lớn từ Bộ Tư pháp.

Trong công tác tham mưu giải quyết tranh chấp quốc tế, TP được Chính phủ giao chủ trì, cùng các Bộ ngành tham gia giải quyết vụ tranh chấp quốc tế tại Hội đồng trọng tài quốc tế (trụ sở tại Singapore), và Trọng tài quốc tế đã tuyên thắng kiện cho Chính phủ Việt Nam.

Đối với việc thực hiện Đề án “Đô thị thông minh” của TP, Sở Tư pháp TP đã chủ động đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường phối hợp các Sở ngành; UBND TP luôn ủng hộ tối đa các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của ngành tư pháp tham mưu, như lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp …

TP.HCM cũng luôn chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người nghèo, người khuyết tật. Đồng thời TP đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, phát huy vai trò các cơ quan báo chí của TP.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu các văn bản cụ thể việc thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế thực hiện biện pháp cách ly y tế và xử lý các hành vi chống lại việc áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Cụ thể như hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng theo hướng dẫn của cơ quan y tế; việc thành lập các chốt, trạm kiểm dịch để thực hiện kiểm soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào TP, bến tàu, bến xe, nhà ga...

Ngoài ra còn có các văn bản về việc xử lý nghiêm các đối tượng có các hành vi vi phạm các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, áp dụng biện pháp phòng dịch hạn chế tập trung tại nơi đông người tại nơi công cộng...

Những giải pháp đó góp phần rất lớn vào việc kiểm soát và phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngành tư pháp đóng vai trò quan trọng là nền tảng để xây dựng, phát triển đất nước. Ngành này không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng lại tháo gỡ những vấn đề đặt ra để phát triển đất nước.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, mục tiêu đề ra là làm sao chúng ta vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh bình thường.

Ngành tư pháp đã kịp thời, nhạy bén, tham mưu đề xuất những giải pháp để làm sao vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; đồng thời kịp thời tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế.

"Chúng ta phải giữ được nhịp tăng trưởng kinh tế xấp xỉ mục tiêu đề ra 3%, nhất là khoản thu ngân sách nhà nước và trình quốc hội giảm thu 200.000 tỉ nhưng cơ bản đã giữ được cân bằng thu chi ngân sách" - Thủ tướng nói.

Ngoài sự ghi nhận đóng góp của ngành tư pháp cho sự phát triển của đất nước, Thủ tướng còn chỉ ra những điểm chưa được của ngành. Cụ thể như năng lực xây dựng pháp luật chưa cao, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn thiếu, chưa động bộ, còn thiếu tính thực tiễn, việc chấp hành kỷ cương pháp luật còn chưa nghiêm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm