Các công ty bất động sản xoay xở vượt khó

(PLO)- Tăng cường tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, tiết giảm chi phí... là những cách mà các công ty bất động sản đang xoay xở để vượt qua khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi chờ Nhà nước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vốn và pháp lý sau hội nghị diễn ra ngày 17-2 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều công ty bất động sản (BĐS) cho biết đang nỗ lực xoay xở bằng nhiều giải pháp. Đơn cử như cơ cấu lại nguồn vốn, ưu tiên triển khai dự án khả thi để thu hồi vốn, đàm phán với các chủ nợ để giãn nợ…

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp (DN), họ rất cần sự vào cuộc nhanh chóng từ phía Nhà nước để vượt qua thách thức.

Ông BÙI THÀNH NHƠN

Ông BÙI THÀNH NHƠN

Ông BÙI THÀNH NHƠN, Chủ tịch HĐQT Novaland:

Nỗ lực tái cấu trúc toàn diện

Đối mặt với áp lực rất lớn khi phải thu xếp nguồn vốn để thanh toán cho các lô trái phiếu đến hạn, Novaland đã và đang chủ động đề xuất các phương án thỏa thuận với trái chủ. Ví dụ như chuyển đổi trái phiếu đang sở hữu sang đặt mua các BĐS do Novaland đầu tư và phát triển; xin gia hạn trái phiếu với lãi suất ưu đãi...

Đồng thời, chúng tôi cũng nỗ lực cùng các đối tác, nhà thầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án đang triển khai. Từ đó có thể bàn giao sản phẩm cho khách hàng cũng như tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm khi các công trình xây dựng và đưa vào vận hành khai thác.

Mặt khác, cũng như các DN cùng ngành BĐS, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vốn và pháp lý. Qua đó góp phần thúc đẩy thị trường này ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.

Tham chiếu về việc đối phó với sự tác động của dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. DN cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ như vậy. DN chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua.

Các công ty bất động sản đang tái cơ cấu các phân khúc sản phẩm, giá cả để thúc đẩy thanh khoản. Ảnh: QH
Các công ty bất động sản đang tái cơ cấu các phân khúc sản phẩm, giá cả để thúc đẩy thanh khoản. Ảnh: QH

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP, Chủ tịch HĐQT Công ty GP.INVEST:

Tăng nguồn cung từ cải tạo chung cư cũ

Hiện nay, thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại với mức giá hợp lý. Chúng tôi cho rằng nếu giải quyết được việc cho chuyển đổi các dự án có đất khác sang đất ở thì bài toán cung cầu sẽ sớm được giải quyết. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh việc cải tạo chung cư cũ và có kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Về cải tạo chung cư cũ, từ khi có Nghị định 69/2021, công việc này đã có được bước tiến dài hơn. Tuy nhiên, kết quả cụ thể đến nay vẫn còn quá ít, chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm (loại D) có kế hoạch cải tạo xây dựng lại, còn lại hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc hợp lý với người tiêu dùng, đồng thời góp phần cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất là quy hoạch và mật độ dân số bị hạn chế khi cải tạo lại nên không đáp ứng được yêu cầu bồi thường của người dân (hệ số K) và yêu cầu hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư. Để giải quyết vấn đề này chắc chắn lãnh đạo hai TP Hà Nội và TP.HCM - nơi tập trung lớn nhất các khu chung cư cũ cần có những quyết sách riêng cho từng trường hợp và cần linh hoạt giải quyết.

TS CẤN VĂN LỰC

TS CẤN VĂN LỰC

TS CẤN VĂN LỰC,thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

5 giải pháp nên làm lúc này

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, đối với các DN xây dựng, BĐS, trước tiên phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Thứ hai, tăng cường tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là quyết liệt cơ cấu lại, tiết giảm chi phí.

Các DN BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

Thủ tướng Chính phủ
PHẠM MINH CHÍNH

Thứ ba, đa dạng hóa nguồn vốn. Thứ tư, xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn. Một số phương án như DN có thể phải bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao, 30%-40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ.

Thứ năm, DN chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho việc phát hành trái phiếu DN để có thể sớm triển khai khi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ sửa đổi được ban hành.

Ông NGUYỄN THANH TÙNG, Tổng giám đốc Vietcombank:

Tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực

Đối với các DN BĐS, tôi cho rằng cần phải tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Ông NGUYỄN THANH TÙNG

Ông NGUYỄN THANH TÙNG

Để giải quyết nhu cầu vay vốn mua nhà ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Vietcombank cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng ba ngân hàng thương mại khác triển khai gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Trong đó, ưu tiên cho phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA):

Sẵn sàng bán những dự án không đủ sức cơ cấu lại

Các công ty BĐS đã và đang quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh. Bên cạnh đó, các công ty BĐS nỗ lực nâng cao trách nhiệm để cùng tham gia với Nhà nước, cùng với khách hàng, người chủ trái phiếu của mình để tìm giải pháp…

Chúng tôi hoan nghênh những động thái này của các DN và cũng đề nghị DN sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư. Qua đó để có thể tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư.

Tập trung gỡ hai nút thắt lớn nhất của bất động sản

Tại dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ vướng tổng thể về cả pháp lý và vốn cho thị trường này.

Theo đó, về vốn, dự thảo nghị quyết nêu rõ: Các DN, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng gặp khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc và lãi vay.

Với các dự án BĐS có phương án vay vốn khả thi, khách hàng có tiềm lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn sẽ được xem xét tiếp tục cấp tín dụng. Trong đó sẽ ưu tiên cho vay với các dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cụm văn phòng cho thuê, BĐS công nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết cho hay trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có một số chính sách mới gồm: Giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất; địa phương chịu trách nhiệm bố trí và đảm bảo quỹ đất.

Đồng thời, chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ được dành toàn bộ diện tích sàn khối của dự án để làm sàn dịch vụ kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng (y tế, văn hóa, thể dục thể thao...), hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ diện tích này...

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm