Các đại biểu chất vấn việc thiếu thuốc tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ

(PLO)-  Đại biểu HĐND TP Cần Thơ chất vấn về việc thiếu thuốc ở bệnh viện công, đại diện UBND TP cho biết đã có giải pháp khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-7, tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện trả lời chất vấn về việc thiếu thuốc ở bệnh viện công chiều ngày 7-7. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện trả lời chất vấn về việc thiếu thuốc ở bệnh viện công chiều ngày 7-7. Ảnh: NHẪN NAM

Theo đó, đại biểu Trần Hải Long cho biết, cử tri phản ánh một số bệnh viện công thiếu thuốc cấp cho đối tượng khám và điều trị theo BHYT do gặp vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc BHYT. Ông Long đề nghị ngành y tế cho biết nguyên nhân và có giải pháp gì trong thời gian tới để kịp thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Trả lời đại biểu Long, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhìn nhận có tình hình thiếu thuốc tại các cơ sở khám bệnh công lập là có trên địa bàn TP, nhưng chỉ thiếu cục bộ, như tại BV Đa khoa, Ung bướu...

Theo ông Hiện, ngay từ đầu năm UBND TP đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhưng do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác đấu thầu theo quy định còn chậm, “khẳng định là chậm”. Từ việc chậm này dẫn đến thiếu thuốc như thế.

Cũng theo ông Hiện, UBND TP căn cứ quy định pháp luật cho phép mua sắm trực tiếp trong thời gian lựa chọn nhà thầu. Bệnh viện Đa khoa TP cam kết với UBND TP trong tháng 6 đến tháng 8 sẽ lựa chọn xong nhà thầu.

“Như vậy TP cho phép mua sắm trực tiếp trong hai tháng thôi. Đối với Bệnh viện Ung bướu và Huyết học truyền máu, hiện nay trên địa bàn TP cơ bản đáp ứng. Giải pháp cho việc thiếu thuốc đã có chủ trương để tháo gỡ và đang tổ chức thực hiện. Quan điểm của TP, tới đây, các cơ sở khám chữa bệnh đã mở thầu được 5 gói thầu, đề nghị đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định, để làm sao có thuốc phục vụ nhu cầu của người dân” – ông Hiện cho hay.

Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đề nghị có giải pháp khắc phục ngay việc thiếu thuốc. Ảnh: NHẪN NAM

Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đề nghị có giải pháp khắc phục ngay việc thiếu thuốc. Ảnh: NHẪN NAM

Nói thêm về việc này, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Hiểu cho rằng thiếu thuốc và vật tư y tế rất báo động, nhất là trong tình hình dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng vào mùa, và đặc biệt là đối với đối tượng khám BHYT mà phải đi mua thuốc điều trị là điều rất không nên.

Ông Hiểu “đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp thực hiện, khắc phục ngay việc này”. Ông cho rằng thời gian qua việc đấu thầu, chỉ định thầu, nơi này nơi khác có xảy ra sai phạm, khó khăn đã ảnh hưởng, tác động rất lớn đến tâm lý của đội ngũ y bác sĩ, ngành y tế, “tuy nhiên không vì thế mà chùn bước, phải tiếp tục thực hiện để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân”.

Còn nợ 128 tỉ kinh phí khám chữa bệnh BHYT quý 4-2021

Đại biểu Trần Văn Đạt nêu, cử tri phản ánh quy trình, thủ tục thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT) còn khó khăn, tình trạng nợ đọng kinh phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đã gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị cũng như ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Trần Văn Đạt nêu câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Cần Thơ chiều 7-7. Ảnh: NHẪN NAM

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Trần Văn Đạt nêu câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Cần Thơ chiều 7-7. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Đạt đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thực Hiện thông tin vấn đề này cho cử tri biết và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề đại biểu Đạt nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, đầu năm 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và 21 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với nhau trong công tác khám chữa bệnh BHYT. Trong quá trình thực hiện, đến ngày 15-2, BHXH TP đã chấp nhận thanh toán BHYT năm 2021 với tổng chi phí đề nghị thanh toán là 1.694 tỉ đồng. Tổng chi phí đã giám định chấp thuận là 1.682 tỉ. Tính theo từng quý, BHXH và cơ sở khám chữa bệnh đã quyết toán ba quý là 1.554 tỉ, còn quý 4 chưa thanh toán 128 tỉ.

Ông Hiện cho biết, theo quy định, Bộ Y tế phải có hướng dẫn hàng năm về mức tổng thanh toán đối với việc này. Hiện BHXH và y tế đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Do vậy, những vấn đề nêu trên không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho người dân theo BHYT.

“Dù chưa quyết toán được năm 2021 nhưng theo quy định, BHXH vẫn cho tiếp tục cơ sở y tế tạm ứng để thực hiện khám chữa bệnh. Vì vậy đại biểu an tâm, không ảnh hưởng việc khám BHYT. Thời gian tới, UBND TP đã chỉ đạo cơ sở y tế phối hợp BHXH TP kiến nghị Bộ Y tế phải có văn bản khẩn cấp để quyết toán chi phí BHYT năm 2021” – ông Hiện cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm