Các đại gia bán lẻ kinh doanh ra sao khi người dân 'thắt lưng buộc bụng'?

(PLO)- Trong ngành bán lẻ, xu thế người tiêu dùng dịch chuyển sang tiêu dùng chủ yếu các sản phẩm thiết yếu hoặc tích lũy được thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II-2024 của doanh nghiệp đã kết thúc. Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ đã công bố kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

Các đại gia ngành bán lẻ đã kinh doanh ra sao khi người dân “thắt lưng buộc bụng”?
Doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng FPT Shop hiện ước tính khoảng 1,6 tỷ/ngày - Ảnh: NGỌC DIỆP

Một trong những doanh nghiệp đầu ngành chính là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) gần đây đã công bố báo cáo tài chính quý II-2024. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ quý II-2024 đạt 733,9 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều lần so với con số âm 13,8 tỉ đồng cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty mẹ MWG có lợi nhuận 858,5 tỉ đồng, gấp 12,34 lần so với cùng kỳ là 6,96 tỉ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp bán lẻ này tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.

Lý giải của Thế giới Di động về sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến này, Tổng Giám đốc Trần Huy Thanh Tùng cho biết sự gia tăng đóng góp của nhóm sản phẩm điện máy, đặc biệt các sản phẩm điện lạnh do thời tiết nắng nóng giữ vai trò quan trọng.

Với chuỗi Bách Hóa Xanh, nỗ lực tái cơ cấu giúp tăng mạnh được doanh thu của các cửa hàng cũ giữ vai trò quan trọng. Ngoài ra, chuỗi đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong bối cảnh họ vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nhờ vậy giúp tăng được doanh thu các cửa hàng. Ngoài ra, công ty mẹ cũng có nguồn thu từ cổ tức, Tổng giám đốc Trần Huy Thanh Tùng cho hay.

Trong quý gần nhất, Thế giới Di động đã có sự thu hẹp đáng kể về quy mô, nhờ vậy chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Số lượng cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone) đạt 1.046 cửa hàng, giảm 24 cửa hàng so với đầu tháng 6-2024. Tương tự Điện Máy Xanh cũng ghi nhận thu hẹp về quy mô khi số lượng cửa hàng giảm xuống con số 2.093, 87 cửa hàng đã bị đóng cửa trong tháng 6-2024. Đồng thời, số lượng nhà thuốc An Khang cũng giảm mạnh 45 cửa hàng trong tháng 6 xuống con số 481 cửa hàng.

Một tên tuổi nổi bật khác trong ngành bán lẻ chính là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). Từ con số lỗ 214,7 tỉ cùng kỳ năm 2023, FRT đã có sự "lội ngược dòng" ấn tượng khi công bố lãi 48,45 tỉ trong quý II-2024. FRT đã thực hiện tái cơ cấu để giảm mạnh số lượng những cửa hàng kém hiệu quả, theo lý giải của đại diện FRT với cổ đông.

Cụ thể riêng trong quý II-2024, FPT Shop đã đóng 100 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, chi phí đóng các cửa hàng này đã được ghi nhận ngay trong quý II. Nhờ vào việc đóng khoảng 100 cửa hàng mà doanh thu trung bình tính trên mỗi cửa hàng FPT Shop đã đạt 1,6 tỉ/cửa hàng dù rằng quý II hằng năm vốn là quý thấp điểm của mùa mua sắm.

Cũng theo đại diện của FRT, các chuỗi cửa hàng FPT Shop có sự dịch chuyển cung cấp hàng hóa theo hướng đi gần hơn với nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng như bán thêm hàng gia dụng, điện máy, phát triển thuê bao mạng… nhờ vậy giúp gia tăng doanh thu của FPT Shop. Như vậy, FRT đã thực hiện đúng theo mục tiêu từng được Tổng giám đốc Công ty cổ phần bán lẻ FPT – FPT Retail (FRT) Hoàng Trung Kiên đề cập đến trong đại hội cổ đông ngày 17-4-2024.

Tâm lý người tiêu dùng chuyển hướng sang mua sắm những mặt hàng thiết yếu và tích trữ cũng được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Nửa đầu năm 2024, doanh thu vàng 24K của PNJ nửa đầu năm tăng 81% lên khoảng 9.177 tỉ đồng, cao hơn mức cả năm từ 2022 trở về trước. Theo đó, vàng 24K (vàng miếng và nhẫn trơn) là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất, trong khi trang sức bán lẻ và sỉ chỉ tăng lần lượt 14% và 20% so với cùng kỳ 2023.

Vàng 24K có biên lợi nhuận không cao nhưng đóng góp tỉ trọng đến 41,5% doanh thu so với mức 30,7% của nửa đầu năm ngoái. 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ tăng 34,3% lên khoảng 22.113 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ nhích thêm 7,4% lên 1.167 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp bán lẻ khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng chính là Công ty Cổ phần Thế giới Số (DGW). Doanh nghiệp thành lập năm 1997 này được biết đến như một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành hàng điện tử tiêu dùng với các sản phẩm chủ đạo bao gồm máy tính xách tay, điện thoại, thiết bị văn phòng và giải pháp doanh nghiệp.

Nửa đầu năm 2024 khi mà người tiêu dùng có xu thể chặt chẽ hơn trong chi tiêu, mức tăng trưởng trong quý II được hỗ trợ bởi kết quả tích cực của mảng máy tính xách tay, máy tính bảng dù rằng đang trong mùa thấp điểm tiêu thụ các sản phẩm này. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, DGW mang về 9.993 tỉ đồng doanh thu thuần và gần 182 tỉ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên DGW cũng không tránh khỏi có những khó khăn khi mà ở thời điểm cuối quý II-2024, tổng tài sản của DGW là 7.337 tỉ đồng tổng tài sản, giảm 2% so đầu năm. Thống kê từ BCTC của DGW cho thấy lượng tiền và tương đương tiền giảm 43% so với đầu năm, còn chưa đến 834 tỉ đồng.

Cùng trong khoảng thời gian trên, tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tăng 25%, lên hơn 2.775 tỉ đồng, phần lớn là phải thu đối với khách hàng, ví như Thế giới Di động, FPT Retail, Phong Vũ hay Wincommerce. Điều này cho thấy những thách thức mà DGW phải đối mặt trong bối cảnh các đối tác cũng có những khó khăn riêng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm