Các gia đình liệt sĩ xúc động đón nhận hồ sơ chứng tích chiến tranh

(PLO)- 30 cuốn sổ tay, 10 lá thư thời chiến mà người Mỹ lưu trữ, nay được chuyển đến tận tay gia đình các thương binh, liệt sĩ, trong sự kiện tiếp nhận Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, 12-6, tại Hà Nội, tổ chức Trái tim Người lính của Việt Nam phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ của Mỹ, cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và CLB Mãi mãi tuổi 20 tổ chức lễ tiếp nhận Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam.

Ban tổ chức cho biết trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã thu được trên chiến trường hàng vạn cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… của bộ đội miền Bắc và quân giải phóng miền Nam.

Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh
Đại diện đoàn đến từ Mỹ trao lại các kỷ vật trong 'Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh' cho các gia đình.

Hầu hết số này đã bị thất lạc, tiêu hủy. Dù vậy, một số tài liệu đã được chụp lại và lưu giữ dưới hình thức microfilm. Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ thuộc Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ đang lưu trữ một số tài liệu như vậy.

Với thực tiễn khốc liệt của cuộc chiến cũng như thời gian dài trôi qua, những bản sao chép này có thể được xem như là bản gốc, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng. Chưa kể, thông tin thu thập được có thể giúp họ ít nhiều trong việc tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sĩ...

Tại Việt Nam, nhà văn Đặng Vương Hưng, tác giả Hồi ký Đặng Thùy Trâm, tên một nữ bác sĩ quân y - liệt sĩ thời ấy, đã sáng lập và hiện là Chủ tịch Trái tim Người lính Việt Nam, đang nỗ lực tìm kiếm, kết nối để đưa những kỷ vật vô giá ấy tới tay các cựu chiến binh cao tuổi hoặc gia đình của họ. Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam là một kết quả như vậy.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Hồ sơ này có nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 10 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp, chung tay góp sức của nhiều bạn đọc, 12 hồ sơ trong đó đã có phản hồi tích cực của thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh và thương binh. Chúng tôi đã liên hệ được với các nhân chứng nêu trên, hiện đang ở nhiều vùng miền trên cả nước, để mời tham dự sự kiện hôm nay”.

Tại lễ tiếp nhận, thân nhân liệt sĩ đã rất hồi hộp, xúc động khi nhận được những trang tài liệu liên quan đến người thân, gia đình mình. Đó có thể là những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất. Cũng có thể là những lá thư hậu phương gửi ra tiền tuyến, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến.

Tất cả cùng rưng rưng, nghẹn ngào, chứng kiến một phần sự “trở về” của những người thân yêu, sau nhiều chục năm hi sinh…

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, CLB Mãi mãi tuổi 20, tập hợp của thân nhân nhiều gia đình liệt sĩ, phối hợp với tổ chức Trái tim người lính đã gửi tận tay gia đình bốn liệt sĩ những tấm ảnh màu được phục dựng từ tài liệu chiến tranh, về chân dung những người lính đã ngã xuống. Đó đều là những di ảnh duy nhất của người lính, mà đến nay gia đình mới có được.

Mãi vẫn là người lính

Mãi vẫn là người lính là tên cuốn tự truyện của tác giả Đặng Ngọc Ba, được giới thiệu với bạn đọc nhân sự kiện tiếp nhận Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam.

Sinh năm 1939, quê tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Đặng Ngọc Ba là một trong những người lính hiếm hoi hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Thi đua ái quốc năm 1948.

Mãi vẫn là người lính là hồi ức bình dị, chân thực và đầy thú vị về cuộc đời và gia đình của một người lính già xuyên qua quãng thời gian dài với nhiều thăng trầm của cuộc sống và sự kiện lớn lao của đất nước, với bản lĩnh, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ.

Cuốn tự truyện đến với bạn đọc thời điểm này như để kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2024).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm