Các giả thuyết về tai nạn máy bay Ba Lan

Các giả thuyết về tai nạn máy bay Ba Lan ảnh 1

Một mảnh đuôi của chiếc máy bay chở tổng thống Ba Lan rơi gần sân bay Smolensk vào ngày 10/4. Ảnh: Reuters.

Kênh truyền hình nhà nước Rossiya-24 của Nga chiếu cảnh các mảnh vỡ của phi cơ nằm rải rác khắp nơi giữa những cây trụi lá và các đám cháy nhỏ tại trong một khu rừng. Đoạn phim cho thấy sương mù dày đặc tại hiện trường vụ tai nạn.

CNN cho biết Ủy ban Điều tra Nga cũng xác nhận chiếc Tupolev 154 hạ cánh trong màn sương dày. Nhưng Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính quyền vùng Smolensk của Nga nói rằng sai sót của phi công có thể là nguyên nhân khiến máy bay rơi.

AP cho biết, giới chức Nga và Ba Lan đưa ra những con số khác nhau về số người có mặt trên chiếc phi cơ xấu số, song đều đồng ý rằng không còn ai sống sót trong vụ tai nạn.

Sergei Markin, lãnh đạo Ủy ban Điều tra Nga, nói có 132 người trên máy bay. Nhưng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Piotr Paszkowski, thông báo 89 người có tên trong danh sách hành khách, chưa kể phi hành đoàn.

“Chúng tôi vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của thảm họa này và tác động của nó đối với chúng tôi trong tương lai. Chưa từng có sự kiện nào như thế từng xảy ra ở Ba Lan. Chúng tôi có thể nói tất cả người trên máy bay đã chết”, AP dẫn lời ông Paszkowski.

Ủy ban Điều tra Nga cho hay chiếc máy bay xấu số đã hoạt động ít nhất 20 năm. Giới chức Ba Lan trước đây từng thảo luận về việc thay thế những phi cơ chở lãnh đạo đất nước nhưng chưa thể thực hiện kế hoạch vì thiếu kinh phí. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, 66 chiếc Tupolev 154 đã rơi trên toàn thế giới, trong đó có 6 chiếc gặp nạn trong 5 năm qua. Hãng hàng không Aeroflot của Nga đã ngừng sử dụng máy bay Tu-154.

Chính phủ Ba Lan đã họp bất thường hôm nay. Người ta kéo cờ rủ tại phủ tổng thống, nơi người dân tập trung để đặt hoa và thắp nến để tiễn biệt ông Lech Kaczynski. Dải băng đen xuất hiện tại một số cửa sổ ở thủ đô Warsaw.

Ông Kaczynski là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Ba Lan qua đời khi đang tại nhiệm kể từ năm 1943.

P.J. Crowley, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu: “Đây là một thảm kịch khủng khiếp đối với Ba Lan và chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới người dân Ba Lan”.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói ông cảm thấy sốc và đau buồn trước cái chết của Tổng thống Kaczynski. Đức là nước láng giềng của Ba Lan.

“Mọi người dân Đức đang bày tỏ sự đau buồn cùng những người dân Ba Lan láng giềng”, ông Westerwelle nói.

Theo Minh Long (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm