Các mục tiêu chính trong chuyến công du Hàn - Nhật của ông Biden

(PLO)- An ninh và kinh tế - hai mục tiêu chính trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden với vai trò tổng thống Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 20-5, chiếc Không lực Một chở Tổng thống Joe Biden hạ cánh tại sân bay căn cứ không quân Osan ở TP Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi, cách Seoul 70 km về phía nam.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Biden đã cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm nhà máy sản xuất chip Samsung Electronics ở TP Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi, cách Seoul 70 km về phía nam. Tại TP Pyeongtaek, Tổng thống Biden cũng thăm lính Mỹ tại trại Humphreys - căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài và là nơi đóng quân của 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc.

Ông Biden sẽ không tới khu phi quân sự ở biên giới liên Triều (DMZ) trong chuyến thăm này, theo Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo. Ông Biden đã hai lần đến thăm DMZ, lần đầu tiên vào tháng 8-2001 khi ông là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, lần thứ hai vào tháng 12-2013 khi ông là phó tổng thống Mỹ.

Hàn Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Biden trong chuyến công du châu Á đầu tiên với vai trò tổng thống Mỹ. Sau ba ngày thăm Hàn Quốc (từ ngày 20 đến 22-5), ông Biden sẽ thăm Nhật (từ ngày 22 đến 24-5). Theo giới quan sát, củng cố đồng minh, thắt chặt liên minh và tìm kiếm hợp tác kinh tế sẽ là các mục tiêu chính của ông Biden trong chuyến công du này.



Hai nội dung chính

Tổng thống Biden và Tổng thống Yoon sẽ gặp thượng đỉnh chính thức vào hôm nay với hai vấn đề chính là các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và rủi ro chuỗi cung ứng, theo hãng thông tấn Yonhap. Theo ông Kim Tae-hyo, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc, hai lãnh đạo dự kiến ​​sẽ thảo luận đưa ra một kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tổng hợp nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Các hành động cụ thể mà hai nhà lãnh đạo có thể quyết định thực hiện bao gồm nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và kích hoạt lại nhóm tham vấn và chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG), một cơ chế tham vấn về răn đe mở rộng bị đình chỉ năm 2018 trong nhiệm kỳ của ông Moon. Cụm từ “răn đe mở rộng” đề cập đến việc Mỹ triển khai cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường để bảo vệ đồng minh, theo Yonhap.

Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc, ông Biden cũng sẽ thể hiện cam kết tăng cường hợp tác với đồng minh về kinh tế và thương mại. Hai nước khả năng sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác về “an ninh kinh tế” với trọng tâm là thiết lập chuỗi cung ứng ổn định trong chất bán dẫn, pin và các vật liệu quan trọng khác.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) thăm nhà máy sản xuất chip Samsung Electronics ở TP Pyeongtaek vào chiều 20-5. Ảnh: AP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) thăm nhà máy sản xuất chip Samsung Electronics ở TP Pyeongtaek vào chiều 20-5. Ảnh: AP

Dự kiến khi gặp ông Biden hôm nay, ông Yoon ​​sẽ thông báo về sự tham gia của Hàn Quốc vào khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) - một sáng kiến ​​do ông Biden đề xuất nhằm đảm bảo công bằng thương mại, đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, đặt ra các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Nhóm QUAD, khuôn khổ kinh tế IPEF

Tại Nhật, Tổng thống Biden sẽ hội đàm cùng Thủ tướng Nhật Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và nhân vật sẽ là thủ tướng Úc sau cuộc bầu cử hôm nay (21-5) trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ (QUAD).

Trước chuyến đi của ông Biden, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhận xét rằng chuyến đi diễn ra vào một “thời điểm quan trọng”, khi ông Biden tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc đối phó với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và khẳng định ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khả năng ông Biden và ông Kishida sẽ “nhắc nhở” ông Modi về những gì Mỹ coi là “phản ứng thận trọng” của Ấn Độ với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm Nhật, ông Biden sẽ chính thức giới thiệu khuôn khổ kinh tế IPEF và kêu gọi các nước khu vực tham gia. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chưa rõ phản ứng của các nước đến đâu khi điều các nước châu Á mong muốn nhất - khả năng tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ vốn được thỏa thuận trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ vào năm 2017 - lại không phải là một phần của IPEF.

Khả năng ông Kishida ​​sẽ kêu gọi ông Biden tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn được điều chỉnh từ TPP sau khi Mỹ từ bỏ, Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức và nhà phân tích Nhật.•

Ông Biden muốn cải thiện quan hệ giữa hai đồng minh

Từ chuyến thăm của ông Biden, Mỹ sẽ hỗ trợ các sáng kiến ​​của Hàn Quốc và Nhật nhằm hiện đại hóa khả năng quốc phòng và phát triển năng lực quân sự tấn công của hai nước này, theo hãng tin Reuters. Ông Biden dự kiến ​​sẽ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai đồng minh Seoul và Tokyo, vốn lâu nay căng thẳng ngoại giao về lịch sử thời chiến và thương mại.

GS khoa học chính trị Nam Chang-hee tại ĐH Inha (Hàn Quốc) đánh giá rằng việc ông Biden đến Seoul trước Tokyo cho thấy Hàn Quốc là một phần trong bức tranh chiến lược rộng lớn của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở châu Á và là một thông điệp dành cho Nhật là Mỹ không muốn thấy Nhật gây quá nhiều áp lực lên Hàn Quốc.

Theo ông Evan Medeiros, chuyên gia về châu Á trong chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, “cốt lõi của chuyến đi này là xây dựng mạng lưới liên minh ở Đông Á”. Ông Michael Green, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận xét ông Biden sẽ thuận lợi trong mục tiêu củng cố liên minh, khi “ít nhất 20 năm” kể từ khi một tổng thống Mỹ có thể trông chờ vào sự thẳng thắn ủng hộ liên minh cùng lúc từ lãnh đạo ở cả Nhật và Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm