5 điểm đáng chú ý trong chuyến công du châu Á của ông Biden

(PLO)- Chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ nhằm thể hiện sự tập trung của Washington vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Hill, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới Nhật và Hàn Quốc kể từ ngày 20-5 đến ngày 24-5. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông với tư cách Tổng thống Mỹ, nhằm mục đích thể hiện sự tập trung của Washington vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD) ngay cả khi phần lớn sự chú ý của thế giới vẫn đổ dồn vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong chuyến công du, ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Nhật và Hàn Quốc, nói chuyện với các nhà lãnh đạo kinh doanh và công nghệ ở Seoul và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - liên minh giữa Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ).

Dưới đây là năm điểm đáng chú ý trong chuyến đi của ông Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Những động thái từ Triều Tiên

Chính quyền ông Biden đang chuẩn bị cho khả năng CHDCND Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân xung quanh chuyến thăm châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ.

Triều Tiên đã thực hiện hơn 10 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm nay. Theo The Hill, việc Bình Nhưỡng có hành động tương tự trong chuyến công du châu Á của ông Biden chắc chắn sẽ khiến căng thẳng gia tăng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan nhấn mạnh chính quyền Washington đã có sự chuẩn bị cho bất kỳ “hành động khiêu khích” nào.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho những tình huống đó. Chúng tôi biết mình cần phải làm gì để đáp trả hành động đó” - ông Sullivan nói hôm 19-5.

Theo ông Sullivan, mục đích chuyến công du lần này của ông Biden là nhằm khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh của Washington và đáp trả các mối đe dọa một cách dứt khoát. Các quan chức đã chỉ ra rằng Mỹ có thể thay đổi hiện trạng quân sự của mình trong khu vực trong trường hợp phía Triều Tiên có hành động khiêu khích.

Trung Quốc “nhắn nhủ”

Theo The Hill, ông Biden sẽ tận dụng chuyến đi để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh của Washington ở châu Á, trong bối cảnh Nhà Trắng cũng đang cố gắng đối phó ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Chính quyền ông Biden coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn nhất của Mỹ và đã chỉ trích Bắc Kinh về các hành vi thương mại không công bằng, cũng như các hoạt động quân sự của nước này gần Đài Loan.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Dương Khiết Trì đã cảnh báo ông Sullivan về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan trong một cuộc điện đàm vào ngày 18-5.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, trong cuộc điện đàm, ông Dương đã cảnh báo rằng "nếu Mỹ vẫn tiếp tục dùng 'chiêu bài Đài Loan' và đi sâu hơn vào con đường sai lầm, tình hình chắc chắn trở nên nguy hiểm trầm trọng". Ông Dương khẳng định Bắc Kinh sẽ có những hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Lập trường của Ấn Độ

Ông Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm QUAD.

Trong những ngày gần đây, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì, với lý do lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trong nước. Quốc gia Nam Á này hiện là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine - hai trong số những nguồn cung lúa mì lớn nhất thế giới - leo thang, các nước mong đợi việc xuất khẩu lương thực của New Delhi có thể giúp giảm bớt một số ảnh hưởng đến thị trường lương thực toàn cầu.

Trước đó, Ấn Độ cũng tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga bất chấp áp lực từ phương Tây, đồng thời giữ lập trường trung lập trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga triển khai ở Ukraine.

Theo The Hill, cuộc họp nhóm QUAD vào cuối tuần này sẽ tạo cơ hội cho ông Biden để thay đổi lập trường của nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Trọng tâm là về Ukraine?

Mặc dù phần lớn trọng tâm của chuyến đi của ông Biden sẽ là tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật cũng như tìm cách đối phó Trung Quốc và Triều Tiên, các vấn đề xoay quanh cuộc chiến ở Ukraine vẫn sẽ được đề cập trong các cuộc họp sắp tới.

Ngay trước khi khởi hành đến Hàn Quốc, ông Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển để bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai nước này. Theo The Hill, dù các nhà lãnh đạo mà ông sẽ gặp vào cuối tuần này là của những nước không thuộc NATO, ông vẫn có thể phải đối mặt với các câu hỏi về việc xoa dịu lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vấn đề mở rộng khối quân sự này.

Nhật và Hàn Quốc nằm trong số các quốc gia đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích cô lập hơn nữa nền kinh tế Nga và ông Biden dự kiến ​​sẽ gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Seoul để nhấn mạnh nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế và chuỗi cung ứng do chiến tranh gây ra.

Hôm 18-5, ông Sullivan đã thừa nhận rằng cuộc xung đột ở Ukraine và các chính sách của chính quyền ông Biden ở AĐD-TBD có liên kết với nhau.

“Bay đến AĐD-TBD không chỉ đơn giản là bàn về cách đối phó với các thách thức an ninh mà còn để hợp tác với Hàn Quốc và Nhật về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp những người đang làm việc ở Mỹ, chẳng hạn như các khoản đầu tư lớn giúp tạo ra việc làm trên khắp đất nước” - ông nói.

Tăng cường quan hệ kinh tế

Một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Biden khi ở châu Á là sẽ khởi động khuôn khổ kinh tế mới có tên là “Khuôn khổ Kinh tế AĐD-TBD” (IPEF), vạch ra những nỗ lực nhằm quản lý nền kinh tế số, tăng cường chuỗi cung ứng và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng khu vực.

“Tôi đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với các đối tác của chúng tôi ở AĐD-TBD và họ rất muốn Mỹ hiện diện nhiều hơn và có một chiến lược kinh tế rõ ràng ở khu vực” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết.

Theo tờ Politico, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand dự kiến ​​sẽ tham gia đợt khởi động ban đầu của khuôn khổ kinh tế này. Singapore, Malaysia và Philippines cũng nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á có khả năng tham gia các cuộc đàm phán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm