Các nền kinh tế giàu nhất thế giới liệu có tiếp tục mua vàng?

(PLO)- Trong năm 2022 và 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng, nhóm nền kinh tế giàu nhất thế giới cũng góp phần không nhỏ vào con số này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các nền kinh tế giàu nhất thế giới nhiều khả năng sẽ vẫn gia tăng dự trữ vàng trong năm tới.

Các nền kinh tế giàu nhất thế giới liệu có tiếp tục mua vàng?
Dự trữ vàng của nhóm các nền kinh tế giàu nhất thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng, quan điểm chính sách của nhóm này với vàng có phần tương đồng với nhóm các nền kinh tế mới nổi
Ảnh: Kitco News

Mới đây, trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người đứng đầu ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển cho biết quan điểm của họ về dự trữ vàng trong những năm tới.

Theo đó, dự trữ vàng của nhóm các nền kinh tế phát triển sẽ vẫn tiếp tục tăng, quan điểm chính sách của nhóm này với vàng có phần tương đồng với nhóm các nền kinh tế mới nổi.

Cụ thể, theo kết quả được WGC công bố, ước tính khoảng 60% ngân hàng trung ương các nước giàu cho biết sẽ gia tăng dự trữ vàng trong vòng 5 năm tới, con số này cao hơn đáng kể so với mức 38% của một năm trước đây.

Khoảng 13% các nền kinh tế phát triển muốn mua thêm vàng bổ sung vào dự trữ trong năm tới, cao hơn so với mức 8% của năm ngoái, tỷ lệ này như vậy cũng cao nhất tính từ khi WGC bắt đầu thực hiện khảo sát này 5 năm trước đây.

Theo đại diện các ngân hàng trung ương, lý do chính của việc gia tăng dự trữ vàng chính là nhiều ngân hàng trung ương tin vào giá trị bền vững của vàng, đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Đồng thời vàng cũng được coi như công cụ đa dạng hóa tài sản hiệu quả.

Tính từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhóm các nền kinh tế mới nổi đã dẫn đầu thế giới về việc mua vàng.

Ở chiều ngược lại, với tài sản là đồng USD. Khoảng 56% ngân hàng trung ương các nước giàu có cho rằng tỷ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ toàn cầu sẽ giảm trong vòng 5 năm tới. Trong nhóm ngân hàng trung ương các nước mới nổi, 64% có quan điểm này.

Việc nhu cầu vàng tăng cao trong năm nay bất chấp việc giá vàng tăng mạnh cho thấy vị thế của đồng USD trong dự trữ toàn cầu giảm đi như thế nào bởi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng đa dạng hóa dự trữ sang các loại tài sản và tiền tệ khác.

“Trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến việc nhiều ngân hàng trung ương thay đổi quan điểm về tài sản dự trữ. Ngày một nhiều các nước cho biết rằng vàng sẽ có vai trò lớn hơn trong dự trữ toàn cầu còn đồng USD sẽ suy giảm về vị thế”, người đứng đầu bộ phận chuyên nghiên cứu về ngân hàng trung ương tại WGC – ông Shaokai Fan phân tích.

Cũng theo ông Fan, các nước giàu đang dần thay đổi quan điểm đối với vàng theo hướng giống các nước mới nổi.

Trong năm 2022 và 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng. Căng thẳng giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề liên quan Ukraine đã khiến cho nhiều tổ chức tài chính ngoài phương Tây mua mạnh vàng. Vàng được đánh giá là tài sản luôn giữ giá trị, không phụ thuộc bất kỳ định chế tài chính nào.

Tỷ lệ của đồng USD trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, dự trữ này không tính vàng, đã giảm từ 70% vào năm 2000 xuống còn khoảng 55% vào năm ngoái, theo công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng này. Còn nếu tính cả vàng trong dự trữ, tỷ lệ của đồng USD chỉ còn hơn một nửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm